Dù không trượt sâu như 2 hôm trước nhưng TTCK Trung Quốc ngày 26-8 trồi sụt thất thường. Khép lại ngày giao dịch, chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của Trung Quốc là Shanghai Composite giảm 1,3%. Ngược lại, TTCK châu Á cùng ngày chứng kiến nhiều dấu hiệu tích cực khi chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 3,2%, chỉ số Kospi (Hàn Quốc) tăng 2,6% và chỉ số S&P/ASX 200 (Úc) kết thúc ngày giao dịch với mức tăng 0,7%.
Tân Hoa Xã hôm 25-8 bất ngờ đăng tải bình luận của một nhà nghiên cứu thuộc PBOC cho rằng thị trường tài chính toàn cầu chao đảo những ngày qua là do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. Tuy nhiên, giới chuyên môn gọi đây là một sự đổ lỗi tuyệt vọng. Theo báo Financial Times (Anh), các nhà phân tích và nguồn tin từ Bắc Kinh tiết lộ chủ đề thảo luận đang “nóng” nhất ở thủ đô Trung Quốc là liệu Thủ tướng Lý Khắc Cường có phải gánh trách nhiệm về sự điên đảo của TTCK và nền kinh tế hụt hơi hay không. “Vị trí của thủ tướng Trung Quốc chắc chắn lung lay dữ dội hơn trong cơn khủng hoảng hiện tại. Nếu tình hình tồi tệ hơn, ông ấy có thể trở thành người giơ đầu chịu báng” - ông Lâm Hòa Lập, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Trường ĐH Hồng Kông Trung Quốc, dự báo.
Thủ tướng Lý Khắc Cường và Phó Thủ tướng Mã Khải là “kiến trúc sư” của kế hoạch giải cứu bất thành TTCK Trung Quốc hồi đầu tháng 7 với hàng loạt biện pháp can thiệp sâu chưa từng có. Ông Lý cũng bị dư luận chỉ trích vì hồi đầu năm cam kết Trung Quốc không phá giá đồng nhân dân tệ song lại gây chao đảo thị trường tài chính bằng động thái này hôm 11-8. Giới chuyên gia chính trị đánh giá ông Lý là thủ tướng “yếu nhất” Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua nhưng khó có khả năng ông phải “về vườn” lúc này bởi làm vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tương lai chính trị của vị thủ tướng 60 tuổi này có thể sẽ được định đoạt tại đại hội đảng năm 2017.
Bình luận (0)