Quân đội Iraq có “lính ma”, các cơ quan nhà nước cũng có “nhân viên ma”. Họ không có mặt làm việc nhưng có tên trong danh sách lãnh lương và các sếp cũng kiếm chác khi bao che cho sai phạm này.
Chia đôi tiền lương
Cựu nghị sĩ Mohammed Othman al-Khalidi, thủ lĩnh “Khối Mutahidoun”, cho rằng hiện tượng “lính ma” là một trong những nguyên nhân khiến quân đội Iraq nhanh chóng sụp đổ trước nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
IS bất chiến tự nhiên thành ngay tại Mosul, thành phố lớn thứ hai ở Iraq, hồi tháng 7 do binh sĩ Iraq chưa đánh đã chạy. Ông Khalidi ước tính “lính ma” chiếm đến 30% trong số 170.000 binh sĩ Iraq hiện tại và hiện tượng này buộc nhà chức trách phải sử dụng lực lượng dân quân có vũ trang để lấp khoảng trống trong quân đội.
Một phóng viên truyền hình nói với hãng thông tấn Al-Monitor: “Chính các thành viên trong quân đội và lực lượng an ninh kể cho tôi nghe chuyện đồng nghiệp của họ thỏa thuận với các chỉ huy trực tiếp để không phải làm gì suốt tháng miễn là họ chia cho các sĩ quan này phân nửa tiền lương. Trong khi đó, họ đi làm tài xế taxi hay bất cứ nghề nào khác”.
Arkan Hussein, nhân viên kế toán ở trại al-Mahawil, phân tích: “Lương của một “lính ma” ở Iraq vào khoảng 1 triệu dinar/tháng (hơn 18 triệu đồng) nhưng phân nửa số này rơi vào túi vị chỉ huy bao che cho anh ta. Giả sử đơn vị của viên sĩ quan đó có 10 “lính ma”, viên chỉ huy sẽ bỏ túi một khoản tiền không nhỏ bên cạnh tiền lương và các đặc lợi dành cho cấp chỉ huy”.
Tham nhũng tràn lan
Tệ nạn tham nhũng đang xảy ra hầu như khắp quân đội và các cơ quan dân sự ở Iraq. Lúc có thanh tra, “nhân viên ma” được triệu tập đến nơi làm việc để trình diện và khi mọi chuyện êm xuôi, họ trở lại với công việc thực sự. Rất khó để phát hiện bởi tham nhũng tràn lan trong khi ngân sách nhà nước phải trả một khoản tiền khổng lồ cho những nhân viên và người lính không có thực.
Nhà báo Qasim Mozan, làm việc cho tạp chí Al-Sabah, thừa nhận có hiện tượng này nhưng cho rằng giới truyền thông và chính khách đã cường điệu mọi chuyện vì lợi ích chính trị. Ông Mozan khẳng định: “Nhân viên ma” tồn tại trong mọi cơ quan nhà nước ngay trước năm 2003 (thời điểm chế độ Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ) và hiện vẫn còn đó ”.
Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Jasim al-Mousway nhận định nguyên nhân dẫn đến nạn tham nhũng tệ hại ở Iraq là do việc thành lập quân đội một cách hấp tấp sau năm 2003. Một lý do khác là động cơ tài chính của những chỉ huy biến chất. Tuy nhiên, ông tin rằng chính phủ Iraq đang nỗ lực giải quyết và hy vọng thực trạng này sẽ giảm trong vài năm tới.
Nói về các biện pháp hạn chế, chính khách Khalidi nhấn mạnh đã yêu cầu tái cấu trúc các lực lượng vũ trang thuộc dự án xây dựng vệ binh quốc gia. Tuy nhiên, đây không phải là chuyện dễ bởi theo Khalidi, “bóng ma” hiện diện cả ở những cấp cao chứ không chỉ trong quân đội.
Bình luận (0)