Captagon bao gồm thành phần là chất kích thích amphetamine có khả năng gây nghiện rất cao. Loại thuốc này đang được sản xuất tại Syria và được tiêu thụ rộng rãi khắp Trung Đông. Theo tờ The Guardian (Anh), thị trường chợ đen mỗi năm thu về hàng trăm triệu USD từ loại ma dược này. Số tiền sau đó được dùng để mua vũ khí, tuyển mộ chiến binh và giữ cho Syria nằm trên chảo lửa suốt hơn 4 năm qua.
Một viên thuốc chứa amphetamine ban đầu có nguồn gốc từ ma túy tổng hợp fenethylline. Vì vậy, Captagon sẽ khiến người sử dụng nhanh chóng cảm thấy hưng phấn và có thể chiến đấu dài ngày mà không lo mỏi mệt, đói khát hay xuống tinh thần.
“Bạn không thể ngủ hoặc nhắm mắt lại được, hãy quên điều đó đi” – một con nghiện Captagon người Lebanon nói với đài BBC (Anh) hồi tháng 9. Trong khi đó, một người khác cho biết: “Tôi cảm thấy mình có một thứ sức mạnh không người nào có. Một cảm giác rất dễ chịu”. Người đàn ông còn lại trong nhóm 3 người phỏng vấn nói: “Không còn cảm giác sợ hãi sau khi tôi dùng Captagon”.
Theo một báo cáo của Reuters được công bố vào năm 2014, chiến tranh đã biến Syria thành một trong những nơi sản xuất và tiêu thụ Captagon lớn nhất thế giới. “Lực lượng chính phủ Syria và các nhóm nổi dậy đã sử dụng Captagon để chịu đựng cuộc đụng độ kéo dài không ngủ, trong khi người dân Syria cũng dùng thuốc để chống lại căng thẳng tâm lý mà họ gặp phải. Mỗi viên Captagon có giá từ 5-20 USD” – Reuters cho hay.
Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết Captagon gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm, trong đó có rối loạn tâm thần và tổn thương não. Một sĩ quan trong đơn vị bài trừ ma túy ở TP Homs – Syria kể lại ông đã quan sát những tác động của Captagon đối với những kẻ bị thẩm vấn. Chúng không cảm thấy bị đau đớn khi bị đánh và cười khi bị đánh mạnh. “Chúng tôi phải bỏ mặc tù nhân 48 giờ cho thuốc hết tác dụng, sau đó mới tra khảo” – ông nói.
Captagon xuất hiện tại phương Tây kể từ những năm 1960. Thuốc này dùng để điều trị cho những người mắc chứng tăng động, ngủ kịch phát và trầm cảm. Đến năm 1980, Captagon bị cấm vì dược tính quá cao có thể gây nghiện.
Trong năm 2010, khoảng 7 tấn Captagon (chiếm 1/3 nguồn cung của thế giới) được phân phối tới Ả Rập Saudi. Ước tính 40.000-50.000 người dân ở nước này được hỗ trợ điều trị bằng Captagon mỗi năm.
Bình luận (0)