Cảnh báo đang được phát tới 9 quốc gia xung quanh Madagascar giữa lúc lo ngại dâng cao về khả năng bệnh dịch được mệnh danh là "cái chết đen" này có thể phát tán qua giao thương đường biển và các chuyến bay.
Nhân viên y tế đeo khẩu trang cho các em nhỏ ở Madagascar Ảnh: AP
Đợt bùng phát năm nay được cho là đe dọa lớn hơn tới khu vực so với những năm trước bởi phần lớn các ca bệnh (chiếm 70%) thuộc dạng dịch hạch thể phổi - có thể lây lan từ người sang người qua ho, hắt hơi hay sổ mũi. Đây cũng là dạng gây nguy cơ cao nhất tới tính mạng bệnh nhân. "Nếu không được chữa trị sớm, bệnh nhân có thể tử vong" - TS Ashok Chopra, chuyên gia về vi trùng học và miễn dịch học tại Trường ĐH Texas (Mỹ), cho biết.
Chia sẻ với tờ The Sun, chuyên gia này cho rằng cuộc khủng hoảng ở Madagascar vẫn chưa lên tới đỉnh điểm, khả năng bệnh dịch chết người này có thể lan sâu hơn vào khu vực vì các chuyến bay thường xuyên ra vào quốc đảo xinh đẹp được mệnh danh là thiên đường du lịch.
Các chuyên gia cho biết đợt bùng phát mới nhất có thể còn tệ hơn. Bệnh dịch chết chóc từ thời Trung cổ này từng xóa sổ 1/3 dân số châu Âu trong thế kỷ XIII và XIV, tạo thành thảm họa khủng khiếp bậc nhất của lịch sử loài người. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đợt bùng phát năm nay bất thường vì ảnh hưởng đến cả các khu vực đô thị chứ không dừng lại ở những vùng quê nghèo như thông thường, khiến nguy cơ lây nhiễm gia tăng.
Theo lời TS Chopra, đợt dịch đang phát tán rất nhanh, số ca nhiễm bệnh đã tăng gấp đôi ở Madagascar chỉ trong vòng 1 tuần qua.
WHO đã cung cấp 1,2 triệu liều kháng sinh để đối phó với căn bệnh này, trong khi Hội Chữ thập đỏ thông báo triển khai một trung tâm chữa trị tại Madagascar và huy động hàng trăm tình nguyện viên tuyên truyền phòng chống cũng như theo dõi những người có nguy cơ mắc bệnh cao.
Bình luận (0)