xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Mái nhà chung” lâm nguy

Đỗ Chuyên

Cuộc khủng hoảng nợ công đang đe dọa tàn phá Liên hiệp châu Âu (EU) mà “lục địa già” này tự hào là “mái nhà chung” của châu lục. Căn bệnh nợ công bùng phát từ năm 2009 làm suy yếu nền kinh tế trong khu vực đồng euro gồm 17 nước tham gia (nước mới tham gia kể từ ngày 1-1-2011 là Estonia). Cuộc khủng hoảng đồng euro khiến cả khối EU gồm 27 thành viên bị ảnh hưởng.

Mầm bệnh khủng hoảng bắt nguồn từ Hy Lạp, nước có mức nợ công cao nhất trong khu vực đồng euro, tương đương 144% GDP năm 2010! Theo sự “bắt mạch” của các chuyên gia kinh tế, đây là hậu quả của thói quen vung tay quá trán của người dân Hy Lạp cũng như thuật tô hồng kinh tế của chính phủ để có đủ điều kiện gia nhập EU. Tiếp sau Hy Lạp là Ireland với khoản nợ công năm 2010 tương đương 80% GDP, bất chấp đảo quốc này có nền tài chính từng được coi là lành mạnh, thậm chí được ca tụng là hình mẫu về tăng trưởng của EU!
 
Để ngăn chặn sự lây lan căn bệnh nợ công trong khu vực đồng euro, EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phối hợp trợ giúp Hy Lạp 110 tỉ euro và Ireland 85 tỉ euro để có tiền trả nợ. Biện pháp cấp cứu này cùng những phản ứng tiêu cực trên thị trường tài chính thế giới thời gian qua chứng tỏ lãnh đạo EU, IMF và thị trường tài chính thực sự lo ngại căn bệnh nợ công có thể lây lan thành “đại dịch” trong toàn khu vực. Tây Ban Nha, Bỉ, Bồ Đào Nha và Ý được dự báo có thể là những “con bệnh” tiếp theo. Các bậc “đàn anh” trong EU như Anh, Đức cũng có nguy cơ lây bệnh. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo tổng số nợ công của EU có thể lên tới 100% GDP vào năm 2014 nếu trong năm 2011 không chặn đứng được đà khủng hoảng.
 
Theo tính toán của IMF, EU sẽ tiếp tục giữ vị trí trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính hàng đầu thế giới. Nếu EU đổ vỡ sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho toàn bộ nền kinh tế thế giới. Giới phân tích nhận định: Nếu không được ngăn chặn kịp thời, dịch bệnh nợ công có thể vượt khỏi Đại Tây Dương, lan sang cả Mỹ!
 
Một liều thuốc chữa trị khẩn cấp đã được quyết định tại Hội nghị Thượng đỉnh EU giữa tháng 12-2010 tại Brussels-Bỉ. Đó là thành lập một hệ thống cứu trợ tài chính thường trực trong cơ chế ổn định châu Âu (ESM). Cơ chế này có nhiệm vụ xử lý các cuộc khủng hoảng tài chính của EU từ năm 2013 sau khi Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) trị giá 750 tỉ euro hết hạn.
 
Hãng AFP đã vẽ ra bức tranh ảm đạm về đồng euro đã bước sang tuổi 12 (ra đời năm 1999): “Một số nhà phân tích dự đoán EU sẽ rệu rã nếu cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ hơn và có nước thành viên nào đó chọn giải pháp tiêu cực rút khỏi khu vực đồng tiền chung, có thể là Hy Lạp. Các nhà đầu tư ngày càng hết sức lo lắng về số phận của các nước châu Âu khác như Tây Ban Nha, Ý và Bồ Đào Nha.
 

Số phận đồng euro tùy thuộc vào những nhà lãnh đạo sáng suốt của EU tìm ra được các liệu pháp hữu hiệu. Chủ tịch EU Herman Van Rompuy bức xúc: “Muốn cứu được đồng euro và giữ được mái nhà chung châu Âu, các nước thành viên EU phải tăng cường kỷ luật tài chính, thực hiện cơ chế giám sát kinh tế vĩ mô mới, tăng cường điều phối các chính sách kinh tế và lập ra một khuôn khổ quản lý khủng hoảng thường xuyên. Thực hiện được các biện pháp này sẽ mở ra một giai đoạn hội nhập mới của châu Âu”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo