"Chúng tôi sẽ quay trở lại rừng, tự cách ly và tìm thức ăn cho mình" – một dân làng gốc Orang Asli ở Jemeri nói với Reuters qua điện thoại hôm 3-4.
Hồi tuần trước, bệnh nhân Covid-19 đến từ cộng đồng Orang Asli đầu tiên bị phát hiện mắc Covid-19. Đây là cộng đồng bản địa nghèo và dễ bị tổn thương nhất ở Malaysia. Quốc gia này đang ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất tại Đông Nam Á.
Trường hợp mắc bệnh đầu tiên của cộng đồng Orang Asli là một cậu bé 3 tuổi, sống bên ngoài địa điểm du lịch nổi tiếng cao nguyên Cameron. Ngôi làng nơi cậu bé trú ngụ lập tức bị phong tỏa cùng với một khu vực khác nghi bị ảnh hưởng. Tổng Giám đốc Sở Phát triển Orang Asli, Juli Edo, cho biết không rõ cậu bé bị mắc bệnh như thế nào.
Malaysia đang phong tỏa nhiều khu vực vì Covid-19. Ảnh: Reuters
Cộng đồng Orang Asli hiện có dân số khoảng 200.000 người. Khi chính quyền Malaysia thi hành các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào tháng này, cộng đồng Orang Asli chia sẻ họ đã bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều cư dân vất vả tìm kiếm thực phẩm sau khi khoản thu nhập ít ỏi từ bán rau củ, trái cây và cao su bị sụt giảm. Một số người khác sợ đi vào thị trấn mua thực phẩm vì lo ngại bị nhiễm virus chết người.
Tỉ lệ nghèo đói ở Orang Asli trên 30% so với mức trung bình chỉ 0,4% của Malaysia. Ngoài cộng đồng bản địa này, cư dân bản địa trên khắp thế giới, bao gồm Úc, Canada và Brazil cũng đóng cửa biên giới để tránh dịch.
Malaysia đang có 3.116 ca nhiễm và 50 ca tử vong do Covid-19.
Chính quyền Úc bày tỏ lo ngại về sự gia tăng số ca mắc Covid-19 không rõ nguồn gốc. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, hôm 3-4, chính quyền Úc bày tỏ lo ngại về sự gia tăng số ca mắc Covid-19 không rõ nguồn gốc ngay cả khi tỉ lệ mắc bệnh ở nước này giảm mạnh và Canberra thắt chặt kiểm soát biên giới nội bộ. Số ca nhiễm tại Úc hiện là 5.314 ca, số ca tử vong là 28 ca.
Một số bang của Úc đang lập các trạm kiểm soát ở biên giới để ngăn chặn hoạt động đi lại nếu không cần thiết từ các vùng lãnh thổ lân cận. Đây là lần đầu tiên Úc thực hiện biện pháp quyết liệt như vậy kể từ dịch cúm Tây Ban Nha cách đây 100 năm.
Tại Ecuador, nước này đang xây dựng "trại đặc biệt" dành cho bệnh nhân Covid-19 tử vong sau khi thi thể họ nằm trong nhà không ai chôn cất. Một đơn vị gồm cảnh sát và binh sĩ được giao nhiệm vụ chôn cất bệnh nhân Covid-19 tử vong hiện thu thập tới 150 thi thể mỗi ngày từ các ngôi nhà ở TP Guayaquil.
Bình luận (0)