Cây phụ thuộc vào ánh sáng mặt trời trên bề mặt mặt trăng nên khi màn đêm buông xuống "vùng tối của mặt trăng" và nhiệt độ xuống đến mức -170 độ C, cây bông vải đã chết yểu.
Cây bông vải trên mặt trăng đã chết yểu do nhiệt độ xuống quá thấp vào ban đêm. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Trước đó, sự xuất hiện của một chiếc lá xanh đã được xem là gợi ý về một tương lai khi các phi hành gia sẽ tự trồng thức ăn trong không gian, đồng thời thiết lập nơi ăn chốn ở tại các tiền đồn trên mặt trăng hoặc các hành tinh khác.
Giáo sư Xie Gengxin, Trường ĐH Trùng Khánh (Trung Quốc), chuyên gia chủ trì việc thiết kế cuộc thí nghiệm trên, thừa nhận đời sống ngắn ngủi của cây thí nghiệm đã được lường trước. "Sinh vật trong thùng chứa không sống sót nổi vào ban đêm trên mặt trăng" - ông cho biết.
Trong khi đó, theo Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc, các cây trồng và hạt giống sẽ dần dần phân hủy trong chiếc hộp hoàn toàn đóng kín và sẽ không ảnh hưởng đến môi trường mặt trăng.
Mặc dù trước đó các phi hành gia đã từng trồng cây trên Trạm Không gian quốc tế (ISS), đây là lần đầu tiên có hạt giống nảy mầm trên mặt trăng. "Trước đây chúng tôi không có kinh nghiệm về vấn đề này. Chúng tôi không thể mô phỏng trên trái đất môi trường mặt trăng, như vi trọng lực hay bức xạ vũ trụ" - ông Xie nhấn mạnh.
Hạt bông vải nảy mầm đã chết. Ảnh: Trường ĐH Trùng Khánh
Cuộc thí nghiệm còn bao gồm hạt khoai tây, nấm men và cải xoong, một loại cây nhỏ có ra hoa thuộc họ mù tạt, nhưng không một hạt nào trong số đó có dấu hiệu đã nảy mầm. Trứng ruồi giấm cũng được đặt trong hộp.
Người ta hy vọng rằng một hệ sinh thái vi mô sẽ hình thành, trong đó các cây trồng sẽ cung cấp oxy cho ruồi giấm, chúng sẽ ăn men và tạo ra carbon dioxide cần thiết cho quá trình quang hợp.
Cơ quan vũ trụ Trung Quốc không xác nhận liệu trứng ruồi giấm có nở hay không. "Ruồi giấm là loài động vật tương đối lười biếng. Chúng có thể không ra ngoài. Tuy nhiên, nếu như chúng không nở, có lẽ chúng đã bỏ lỡ mất cơ hội" - ông Xie nói với trang web tin tức Trung Quốc Inkstone hôm 15-1.
Bình luận (0)