Có lẽ tôi không thể quên được hương vị của bát phở Sài Gòn tại một ngôi nhà ở ngoại ô xanh rì của thủ đô Brussels (Bỉ) vào một buổi chiều thu êm ái. Chủ nhân là một đôi vợ chồng Việt kiều, anh là Quan, chị là Mỹ Anh. Biết tôi mới từ VN sang, chưa quen với các món ăn Tây, anh chị quyết định đãi món phở truyền thống quê nhà với đủ loại gia vị cần thiết. Anh Quan là đầu bếp của khách sạn 5 sao tọa lạc gần nhà nhưng theo anh, khách sạn nơi anh làm chỉ phục vụ các món ăn Tây là chính.
Tấm lòng Việt kiều Bỉ
Anh chị Mỹ Anh nằm trong số 12.000 Việt kiều hiện đang sinh sống tại Bỉ. Anh chị đã rời quê hương từ khoảng 20 năm trước và đều có công việc ổn định, thu nhập tốt. Theo bà Phan Thúy Thanh, nguyên đại sứ VN tại Bỉ (nhiệm kỳ 2003 - 2007), cộng đồng người Việt sống tập trung ở thủ đô Brussels và nhiều tỉnh lân cận như Liege, Mont. Trong đó, người Việt thế hệ thứ hai, thứ ba chiếm đa số và một số ít còn lại là người Việt thế hệ thứ tư.
Chị Mỹ Anh được nhiều người VN biết đến bởi thái độ yêu quý người từ quê sang cũng như sẵn lòng giúp đỡ họ. Chị làm cho một công ty máy tính và có những mối quan hệ rộng rãi. Ba đứa con chị đều sinh ra và lớn lên ở Bỉ. Chị kể có nhiều lần đoàn xiếc VN sang biểu diễn, đồ đạc cồng kềnh mà chị vẫn cho họ ở tạm trong nhà. Có lần một đoàn cán bộ của ta sang công tác tại Bỉ, chị lái xe chở họ. Giữa mùa đông lạnh, mấy anh trong đoàn không kịp mang đồ rét, chị lại nhiệt tình chở họ đi siêu thị, mua quần áo mặc tạm chống rét. Chị tâm sự với tôi: “ Mình thấy thật sự gắn bó với người bên nhà, có lẽ dòng máu mình vẫn là dòng máu Việt. Mỗi lần có người sang, mình lại cảm thấy vui vì được nói tiếng Việt, được chia sẻ với người mình và nghe những câu chuyện hay từ quê nhà”.
Khác với chị Mỹ Anh, chị Bùi Kim Hải, bác sĩ gia đình ở Liege, lại có nhiều năm tháng hoạt động nhân đạo với VN. Chị là nhịp cầu nối giữa các bệnh viện trong nước và các giáo sư, bác sĩ Bỉ giúp các bệnh nhân nghèo phẫu thuật miễn phí. Dáng người cao lớn, nét mặt từng trải, chị Hải bảo tôi chị không thể nhớ hết chị đã đi lại bao nhiêu chuyến giữa VN - Bỉ và tổ chức thành công bao nhiêu cuộc phẫu thuật phức tạp và tốn kém. Chị cũng vừa về VN với đoàn bác sĩ Bỉ đến giúp Bệnh viện Bộ Nông nghiệp và Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên trong chương trình phẫu thuật nụ cười cho trẻ em dị tật.
Quảng bá hình ảnh Việt
Một trong những điều làm nên vị thế của người Việt ở Bỉ chính là việc hình thành một hệ thống các tổ chức, hội đoàn. Hiện ở đây có những hội đoàn nổi bật là: Hiệp hội Hoa Sen, Hội Người VN ở Bỉ, Tráng sĩ đạo, Thủy Pháp, Tấm lòng vàng... Hằng tuần, hằng tháng, các tổ chức này đều có những buổi gặp gỡ giữa người Việt và người Bỉ để tìm hiểu tình hình trong nước, giới thiệu ẩm thực và tổ chức những hoạt động văn hóa, văn nghệ hướng về Tổ quốc. Chính từ những hoạt động này, người Việt đã góp phần làm cho chính quyền và người dân nước sở tại hiểu nhiều hơn về những người VN vừa thành công trong sự nghiệp, hòa nhập tốt vào cộng đồng vừa có bản sắc riêng, đặc biệt là có uy tín đối với chính quyền địa phương.
Được làm điều gì đó cho quê hương là điều mà nhiều người Việt ở Bỉ tâm niệm. Chị Mỹ Anh tâm sự chị chỉ muốn đem những hiểu biết của mình về giúp cho các công ty lập trình của VN. Qua nhiều lần về VN, chị nhận thấy giữa các công ty của Bỉ và VN không có được tiếng nói chung do khó tiếp cận nhau. Ước mơ bé nhỏ của chị là mình có thể là cầu nối tri thức công nghệ giữa các công ty VN và Bỉ.
Bình luận (0)