Gắn liền với nó là các câu chuyện lạ lùng về những đứa trẻ ra đời với 2 trái tim và 3 lá phổi hay các vụ lở đất, tai nạn giao thông đáng ngờ…
Người dân xứ sở hình chiếc ủng chẳng dám gọi tên thị trấn và cảnh sát cũng không nỡ phạt nếu ai đó chạy xe như ma đuổi ở Colobraro vì sợ gặp chuyện đen đủi. Tuy nhiên, tiếng dữ đó không ngăn được bước chân của những du khách ưa phiêu lưu mỗi khi lễ hội “biến những điều xui xẻo thành kỳ diệu” được tổ chức vào mùa hè hằng năm.
Cư dân hàng xóm tại vùng Basilicata chỉ đơn giản gọi Colobraro là “thị trấn ấy” và tránh đi qua những “mê lộ” của mảnh đất này. Câu chuyện về lời nguyền cũng lâu đời như thị trấn cổ xưa này và gắn liền với nguồn gốc tên gọi của nó từ “coluber” (trong tiếng Latin nghĩa là con rắn, vốn được tin là hiện thân của quỷ dữ). Dù những điều đáng sợ về “thị trấn ấy” đã lan truyền từ lâu nhưng lời nguyền mới bắt đầu vào nửa đầu thế kỷ XX.
Truyền thuyết kể rằng ông Biagio Virgilio, một luật sư giàu có ở địa phương với đôi mắt nảy lửa, chưa từng thua một vụ kiện nào và có vô số kẻ thù. Một hôm, tại tòa án, để nhấn mạnh lập luận của mình, vị luật sư lớn tiếng: “Nếu tôi nói sai, chùm đèn trong phòng sẽ rớt xuống”. Rồi chùm đèn… rớt xuống thật! Dù không ai bị thương song tên tuổi của Virgilio bị coi là điềm xấu. Bất cứ điều gì xấu xa đều bị gán cho vị luật sư này và con cháu ông phải bỏ xứ ra đi.
Về sau, một nhà nhân chủng học tới thị trấn và tìm kiếm phù thủy hóa giải lời nguyền. Khi gặp La Cattre - một bà lão gầy guộc, da sạm nắng với những vết nhăn chằng chịt - nhà khoa học tin rằng đó chính là người mà ông tìm kiếm. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lại trở thành nạn nhân của những tai nạn bí ẩn. Colobraro vì thế có thêm tiếng xấu là hang ổ của phù thủy. Tuy nhiên, cô Elena di Napoli - chắt của bà La Cattre và hiện nằm trong ban quản trị du lịch địa phương - đã chối bỏ điều đó.
Theo Elena, những điều không hay ho chỉ xảy đến với những ai yếu bóng vía hay mới tới thị trấn lần đầu. Còn đối với cư dân Colobraro, một trong những vùng đất ít ỏi không bị cướp biển Saracen chạm tới thời Trung cổ, việc chống chọi với tai tiếng từ lời nguyền thực sự mệt mỏi. Anh Gaetano Virgallito, một người con của Colobraro đang sống ở Rome, bày tỏ: “Do không có trường trung học nên tôi phải tới làng Tursi. Các bạn cùng lớp không ngừng trêu chọc tôi là “kẻ mang điềm gở”...
Bình luận (0)