Trong bức thư bị rò rỉ được ông Adams Cassinga - nhà sáng lập tổ chức bảo tồn động vật hoang dã Conserv Congo - công bố trên mạng Twitter, Tập đoàn Thương mại quốc tế Tianjing Junheng (Trung Quốc) đề nghị nhập khẩu 12 khỉ đột núi, 16 vượn Bonobo, 16 tinh tinh, 8 lợn biển châu Phi và 20 hươu đùi vằn đến sở thú Taiyuan và sở thú Anji Zhongnan ở Trung Quốc.
Bức thư này phản hồi cho Giám đốc điều hành Liu Min Heng của Tập đoàn Tianjing Junheng (đề ngày 8-6 và có chữ ký của Bộ trưởng Bộ Môi trường DRC Amy Ambatobe Nyongolo) dường như đồng ý việc xuất khẩu và cho rằng một nhóm chuyên gia nước này nên đến Trung Quốc để bảo đảm hoạt động bảo tồn.
Ông Cassinga bức xúc: "Tất cả những loài động vật này đều có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hầu hết chúng tôi chưa từng được thấy những loài thú quý này. (...) Chúng tôi đâu có gấu trúc trong sở thú mình, sao các loài thú hiếm của chúng tôi lại phải xuất hiện trong sở thú Trung Quốc".
Hiện chỉ còn khoảng 200 con khỉ đột núi đang sống tại Congo Ảnh: Brent Stirton
Theo báo Guardian (Anh), bức thư được đăng tải trên mạng Twitter khiến nhiều tổ chức bảo vệ động vật hoang dã phẫn nộ và thu hút hàng ngàn chữ ký phản đối.
DRC không có chương trình nhân giống trong điều kiện nuôi nhốt, tức là nếu thực hiện thỏa thuận này sẽ phải bắt động vật từ môi trường hoang dã. Hiện còn khoảng 200 con khỉ đột núi sống tại DRC trong khi vượn Bonobo là loài đặc hữu của nước này.
Theo các nguồn tin của ông Cassinga, thỏa thuận giữa chính phủ và công ty Trung Quốc quy định lứa con của các động vật này phải được đưa về môi trường hoang dã ở Congo nhưng ông tỏ ra hoài nghi tính thực tế của kế hoạch.
Nhiều người lo ngại với nguồn vốn đầu tư khổng lồ đổ vào nhiều nước châu Phi, Trung Quốc đồng thời mở rộng cửa tiếp cận và khai thác đời sống hoang dã tại đây cho thị trường quê nhà.
Trước làn sóng công kích của dư luận, chính phủ DRC khẳng định chưa có thỏa thuận nào đạt được và họ vẫn đang đánh giá tình hình. Bộ trưởng Amy Ambatobe cũng phủ nhận đã đồng ý cho xuất khẩu các động vật nói trên, thay vào đó ông nói đã chuyển yêu cầu của công ty Trung Quốc cho các chuyên gia bảo tồn. Ngoài ra, ông nói sẽ không đổi thú lấy tiền trong bất kỳ tình huống nào.
Bình luận (0)