Cảm hứng từ Bill Gates
Giá trị của Facebook khiến cho số tiền 560 triệu USD mà hãng News Corp bỏ ra để mua lại MySpace – đối thủ chính của Facebook – năm 2005 trở nên nhỏ nhoi. Ngoài ra, với 49 triệu người sử dụng thường xuyên trên khắp thế giới, Facebook đang có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn cả MySpace. Zuckerberg chịu ơn Bill Gates nhiều cho sự thành công của mình, không chỉ vì Microsoft đã đổ hàng trăm triệu USD vào két sắt của Facebook.
Zuckerberg sinh năm 1984 trong một gia đình Mỹ gốc Do Thái tại khu ngoại ô Dobbs Ferry, thuộc hạt Westchester ở phía Bắc thành phố New York, bắt đầu tự học lập trình máy tính từ lớp 6. Năm 2002, Zuckerberg vào học tại Harvard, nơi anh thực hiện nhiều dự án máy tính ưa thích. Trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí Forbes năm ngoái, Zuckerberg thừa nhận rằng chính ông Gates, người cũng từng bỏ học giữa chừng khi còn là sinh viên Harvard, là nguồn cảm hứng khiến anh tạm ngưng việc học để theo đuổi những dự án bên ngoài. Ông Gates đã đến nói chuyện trong một giờ học khoa học máy tính của Zuckerberg vào năm 2004. Zuckerberg nhớ lại: “Ông ấy thực sự khuyến khích tất cả chúng tôi tạm ngưng việc học để thực hiện một dự án nào đó mình ưa thích”.
Những dự án ở Harvard
Dự án đầu tiên của Zuckerberg ở Harvard là Coursematch, cho phép sinh viên xem danh sách những sinh viên khác đăng ký cùng lớp học với mình. Dự án tiếp theo là Facemash.com, nơi sinh viên so sánh và đánh giá hình ảnh giữa những sinh viên khác trong trường, lại gây tranh cãi. Chỉ 4 giờ sau khi website này lên mạng, Harvard đã cắt đứt kết nối Internet của Zuckerberg và đưa anh ra hội đồng kỷ luật, nơi anh bị cáo buộc xâm phạm an ninh máy tính nhà trường, vi phạm những quy định về sự riêng tư trên Internet và sở hữu trí tuệ. Tất cả chỉ vì Zuckerberg đã xâm nhập vào website của Harvard lấy thông tin và hình ảnh của sinh viên mà không được phép. Anh xin lỗi dù vẫn tin rằng những thông tin như thế phải được công khai và sử dụng miễn phí.
Sự cố này không khiến Zuckerberg nản lòng và anh vẫn tiếp tục tìm tòi dự án tiếp theo của mình. Đến năm 2004, Zuckerberg chính thức tung ra website Facebook, nơi sinh viên được mời cung cấp và chia sẻ thông tin cá nhân cho nhau, với sự giúp đỡ của bạn học là Dustin Moskovitz. Chỉ sau 2 tuần, gần phân nửa sinh viên Harvard đăng ký làm thành viên. Facebook trở nên phổ biến và mở rộng việc tiếp nhận sinh viên của nhiều trường đại học khác và cả học sinh trung học làm thành viên. Cũng như Bill Gates trước đó, Zuckerberg và Moskcovitz nhận thấy Harvard không còn thứ gì khác cho họ. Cả hai quyết định rời khỏi Harvard đến Palo Alto để dồn hết tâm huyết cho Facebook và thành quả đạt được không tồi chút nào. Zuckerberg hiện là tổng giám đốc (CEO) trong lúc Moskcovitz làm phó chủ tịch Công ty Facebook. Công ty hiện có 300 nhân viên – dự kiến sẽ tăng lên 700 nhân viên trong thời gian tới - và doanh thu hằng năm hơn 100 triệu USD.
Không thích làm CEO
Dù vậy, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Forbes, Zuckerberg thổ lộ rằng anh không màng đến việc trở thành một CEO hay quản lý công ty mà chỉ thích tạo ra thứ gì đó hấp dẫn. Điều này phần nào lý giải nhà sáng lập Facebook, người thích mặc quần jeans và mang xăng-đan Adidas, có cuộc sống khá kín đáo. Anh thậm chí còn không tham dự cuộc họp báo về vụ đầu tư của Microsoft mà để công việc giao tiếp lại cho nhóm quan chức điều hành Facebook vốn có nhiều kinh nghiệm hơn.
Thành công nhiều nhưng Zuckerberg cũng bắt đầu gặp không ít thách thức. Gần đây, một số bạn học của Zuckerberg ở Harvard đã đệ đơn kiện anh ăn cắp ý tưởng lập website kết nối xã hội khi giúp họ làm một dự án hồi năm 2003. Bên nguyên đơn - những người sáng lập website đối thủ ConnectU - buộc Zuckerberg tội vi phạm bản quyền, gian lận và ăn cắp bí mật thương mại, đồng thời yêu cầu đóng cửa Facebook. Facebook phản công bằng cách cáo buộc ConnectU đã xâm nhập trái phép vào cơ sở dữ liệu để ăn cắp hàng ngàn địa chỉ e-mail trong nỗ lực dụ người sử dụng Facebook sang ConnectU. Ngoài vụ kiện, Zuckerberg dự kiến sẽ đối mặt với nhiều sức ép sau vụ đầu tư của Microsoft. Các nhà quảng cáo thích mạng xã hội vì họ có thể nhằm vào từng loại khách hàng tiềm năng khác nhau dựa vào thông tin cá nhân được đưa lên đó. Vì thế, khả năng kiếm doanh thu từ quảng cáo của Facebook sẽ trải qua đợt sát hạch đầu tiên vào tháng này khi công ty dự định thông báo kế hoạch quảng cáo trực tuyến của mình.
Cho dù thành công hay thất bại thì Zuckerberg cũng hài lòng với những trải nghiệm của mình trong mấy năm qua. Anh biết rằng mình đã đi một chặng đường dài và anh có thể nghỉ ngơi thoải mái nếu Facebook không còn thành công như trước. Một khi điều đó xảy ra, Zuckerberg cho biết anh sẽ xem xét đến việc quay lại Harvard học tiếp.
Bình luận (0)