Hãng tin Reuters hôm 11-3 dẫn nguồn tin quân sự Malaysia cho biết họ đã lần ra dấu vết máy bay Boeing 777-200 số hiệu MH 370 mất tích trên màn hình radar tới eo biển Malacca, cách xa khu vực máy bay liên lạc lần cuối cùng. Máy bay đã bay hơn 1 giờ sau khi biến mất khỏi màn hình kiểm soát không lưu.
Máy bay tìm cách quay lại?
Một quan chức quân đội Malaysia nói: “Chiếc máy bay đã chuyển hướng sau khi tới TP Kota Bharu - Malaysia rồi hạ độ cao. Sau đó, máy bay bay vào eo biển Malacca”. Nếu thông tin này được kiểm chứng thì chiếc máy bay bay thêm khoảng 500 km nữa trong điều kiện thiết bị phát đáp và tất cả hệ thống liên lạc, theo dõi khác dường như đã tắt.
Trước đó, cùng ngày, tờ Berita Harian của Malaysia dẫn lời Tư lệnh Không quân nước này, ông Rodzali Daud, cho hay chiếc máy bay được phát hiện lần cuối qua radar quân đội vào lúc 2 giờ 40 phút ngày 8-3 (giờ địa phương) gần đảo Pulau Perak ở phía Bắc eo biển Malacca, ở độ cao 9 km.
Chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mất tích giờ đây tập trung vào phía Tây Malaysia, cụ thể là bán đảo ở eo biển Malacca, sau 4 ngày lùng sục không kết quả ở biển Đông. Ông Ahmad Jauhari Yahya, Giám đốc điều hành Hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS), cho biết các nhóm tìm kiếm và cứu hộ đang mở rộng phạm vi hoạt động ra bên ngoài lộ trình dự kiến của chiếc máy bay.
Nhà chức trách cũng đang xem xét khả năng máy bay tìm cách bay trở lại sân bay Subang ở bang Selangor, cách sân bay quốc tế Kuala Lumpur 50 km. Việc tìm kiếm trên đất liền cũng đang tiến hành.
Lung lay nghi vấn khủng bố
Theo ông Ahmad Jauhari Yahya, chiếc máy bay mất tích đã hoạt động được 10 năm. Lần bảo trì gần nhất là hôm 23-2 và không phát hiện trục trặc gì. Quan chức MAS này khẳng định máy bay có hệ thống tự động truyền dữ liệu nhưng đã không có cuộc gọi cầu cứu nào diễn ra trước khi nó biến mất.
Cùng ngày, Đại sứ quán Trung Quốc tại Kuala Lumpur cho biết Malaysia bác bỏ các thông tin truyền thông cho rằng có thể đã xảy ra không tặc, nổ tan tành trên không hoặc ra đa trục trặc đối với máy bay mất tích. Trong khi đó, các nguồn tin chính phủ Mỹ và châu Âu tiết lộ các nhà điều tra quốc tế đang có mặt tại Malaysia vẫn giữ thái độ hoài nghi với giả thuyết máy bay bị tấn công.
Sự nghi ngờ này càng có cơ sở khi nhà chức trách Malaysia công bố danh tính một trong 2 hành khách dùng hộ chiếu giả lên chiếc máy bay. Đó là nam thanh niên 19 tuổi người Iran, tên Pouria Nur Mohammad Mahrdad. Cảnh sát đã liên lạc với mẹ của Mahrdad và bà đang đợi anh ta ở Frankfurt - Đức. Ông Tan Sri Khalid Abu Bakar, Tổng Thanh tra Cảnh sát Malaysia, cho biết: “Chúng tôi tin rằng anh ta không phải là thành viên của bất cứ nhóm khủng bố nào mà đang cố gắng xin tị nạn tại Đức”.
Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) xác định danh tính của người dùng hộ chiếu ăn cắp còn lại cũng là một người Iran 29 tuổi, tên là Delavar Seyed Mohammad Madreza. Ngoài ra, Tổng Thư ký Interpol Ronald Noble cho biết ông không tin việc máy bay mất tích là một vụ khủng bố. Mặt khác, ông Bakar bác bỏ tin đồn có 5 hành khách không lên máy bay dù đã mua vé. Kết quả điều tra cho thấy những ai mua vé đều đã lên máy bay.
Cũng theo ông Bakar, các nhà điều tra đang tập trung vào 4 yếu tố: không tặc, hành động phá hoại, những vấn đề cá nhân của hành khách và thành viên phi hành đoàn. Ông cho biết: “Chúng tôi đang tìm hiểu kỹ lưỡng đời sống cá nhân của các hành khách và thành viên phi hành đoàn. Không loại trừ có ai đó mới mua bảo hiểm nhân thọ với giá trị lớn trước khi lên máy bay”. Nhóm điều tra cũng nghiên cứu hành vi của hành khách thông qua các đoạn video có được từ ngày 7-3 đến thời điểm máy bay cất cánh.
Bình luận (0)