Sự việc xảy ra khi máy bay Mỹ đang thực hiện “cuộc tuần tra thường lệ” một ngày trước đó. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, thiếu tá Jamie Davis, cho biết những thông tin ban đầu cho thấy máy bay Trung Quốc đã hành động “thiếu an toàn” khi chỉ bay cách máy bay Mỹ khoảng 15 m, buộc máy bay Mỹ phải hạ thấp độ cao nhằm tránh va chạm.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 19-5 khẳng định “chiến đấu cơ của Trung Quốc vẫn giữ khoảng cách an toàn với máy bay Mỹ”. Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói đang xem xét cáo buộc này.
Đây là lần đầu tiên máy bay Trung Quốc bị tố liều lĩnh chặn máy bay Mỹ kể từ năm 2014. Vụ việc mới nhất chắc chắn khiến quan hệ Mỹ - Trung thêm căng thẳng sau khi hai bên không ngừng đấu khẩu về vấn đề biển Đông.
Mới nhất, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 19-5 tố ngược Washington đang “quân sự hóa biển Đông”. “Nước nào tham gia các cuộc tập trận quân sự lớn ở khu vực này? Nước nào đang đưa rất nhiều vũ khí tiên tiến đến biển Đông và xây dựng các căn cứ quân sự mới? Câu trả lời quá rõ ràng: Mỹ” - ông Vương nói với kênh Al Jazeera hôm 19-5.
Khi được hỏi liệu việc Mỹ đưa hàng ngàn binh sĩ đến Philippines để tập trận chung có đe dọa trực tiếp Trung Quốc hay không, ông Vương cho rằng hành động này “gây bất ổn”, nếu không muốn nói là “làm gia tăng căng thẳng” tình hình biển Đông. Ông cũng không quên chỉ trích việc Manila kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở biển Đông ra Tòa Trọng tài Quốc tế.
Tình hình biển Đông cũng thu hút sự chú ý của Ấn Độ, thể hiện qua việc 4 tàu chiến nước này hôm 18-5 bắt đầu được triển khai đến biển Đông và Tây Bắc Thái Bình Dương trong 2 tháng rưỡi. Dự kiến, số tàu này sẽ ghé thăm vịnh Cam Ranh của Việt Nam, vịnh Subic (Philippines), Sasebo (Nhật Bản), Busan (Hàn Quốc), Vladivostok (Nga) và cảng Klang (Malaysia).
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết chuyến đi trên nhằm tăng cường quan hệ quân sự và khả năng phối hợp với hải quân các nước.
Bình luận (0)