Công trình cũng đưa ra ước tính chính xác nhất từ trước đến giờ về khối lượng loại "mỡ không gian" này trong dải Ngân hà.
Cụ thể, theo tính toán của một nhóm nhà khoa học tại Trường ĐH New South Wales (Úc) và Trường ĐH Ege (Thổ Nhĩ Kỳ), khối lượng "mỡ không gian" hiện vào khoảng 10 triệu tỉ tỉ tỉ tấn, đủ để làm ra khoảng 40 tỉ tỉ tỉ tỉ hộp bơ.
Điều đáng nói là lớp "mỡ không gian" này rất độc hại và chúng có thể cản trở việc du hành giữa các vì sao của con người trong tương lai. "Loại mỡ không gian này không phải là thứ chúng ta muốn phết lên lát bánh mì nướng. Nó bẩn, nhiều khả năng là độc hại và chỉ hình thành trong môi trường không gian giữa các vì sao" - ông Tim Schmidt, một nhà hóa học tại Trường ĐH New South Wales và là đồng tác giả cuộc nghiên cứu, cảnh báo.
Một nghiên cứu mới đã đưa ra ước tính chính xác nhất từ trước đến giờ về khối lượng loại “mỡ không gian” trong dải Ngân hà Ảnh: ALAMY
Ông nói thêm loại mỡ này không hiện diện trong hệ mặt trời của chúng ta vì chúng đã bị gió mặt trời thổi bay đi hết. Để thấy được "mỡ không gian", cách duy nhất là phóng tàu vũ trụ có khả năng bay đến không gian giữa các vì sao.
Kết quả công trình nghiên cứu trên được đăng trên một ấn phẩm của Hội Thiên văn Hoàng gia Anh. Bà Helen Fraser, chuyên gia thiên văn học tại Trường ĐH Open (Anh), nhận định phát hiện mới nhất này cho thấy số lượng carbon béo trong không gian nhiều hơn đáng kể so với những gì người ta tưởng.
Theo tờ Guardian, phát hiện này giúp giới khoa học đến gần hơn việc tính toán tổng khối lượng carbon có trong không gian giữa các vì sao, vốn thúc đẩy sự hình thành các ngôi sao, hành tinh và đóng vai trò quan trọng đối với sự sống. Hoàng Phương
Bình luận (0)