Sau quá trình xét xử kéo dài 2 tuần, bồi thẩm đoàn tòa án San Francisco đã cân nhắc gần 4 ngày trước khi đưa ra kết luận rằng thuốc diệt cỏ Roundup có thể là "tác nhân quan trọng" khiến ông Edwin Hardeman, 70 tuổi, bị ung thư.
Sau khi bị chẩn đoán ung thư vào năm 2015, ông Hardeman đã kiện Monsanto với tuyên bố Roundup, thuốc diệt cỏ phổ biến nhất thế giới, là nguyên nhân. Ông cho biết đã sử dụng Roundup để diệt cỏ suốt gần 30 năm.
Bồi thẩm đoàn tòa án San Francisco ngày 20-3 (giờ địa phương) sẽ lắng nghe chứng cứ về việc liệu Monsanto có phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với trường hợp ông Hardeman hay không và nếu có, họ sẽ xác định mức thiệt hại mà Monsanto phải bồi thường cho ông.
Ông Edwin Hardeman. Ảnh: AP
Roundup, thuốc diệt cỏ phổ biến nhất thế giới, bị nghi gây ung thư. Ảnh: AP
Ngoài trường hợp ông Hardeman, Monsanto còn đối mặt với khoảng 760 đơn kiện từ các bệnh nhân ung thư trên toàn nước Mỹ, bên cạnh hơn 10.000 đơn kiện đang chờ xử lý ở những quốc gia khác.
Phiên tòa đầu tiên nhằm vào thuốc diệt cỏ của Monsanto diễn ra ở tòa án bang năm ngoái tại San Francisco khi công ty này bị bồi thẩm đoàn buộc bồi thường 289 triệu USD cho Dewayne "Lee" Johnson, 46 tuổi – người bị chẩn đoán ung thư sau nhiều năm dùng Roundup diệt cỏ tại các trường học ở TP Benicia, California.
Một thẩm phán sau đó đã hạ mức bồi thường xuống còn 78,5 triệu USD. Monsanto vẫn đang kháng án vụ này.
Glyphosate, hoạt chất trong thuốc diệt cỏ Roundup, bị liệt vào danh sách những chất có khả năng gây ung thư vào năm 2015 bởi Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) khẳng định chất này an toàn và nó vẫn đang được phép sử dụng tại Mỹ và các quốc gia châu Âu.
Sự an toàn của hóa chất này vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Bình luận (0)