Indonesia đã tiến hành xử tử 6 phạm nhân với các tội danh liên quan đến ma túy và cho rằng đây là hành động cần thiết để chống lại việc buôn bán ma túy đang ngày càng tăng.
Tony Spontana, phát ngôn viên của văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Indonesia cho biết trong số các tội phạm có 4 người đàn ông đến từ Brazil, Malawi, Nigeria và Hà Lan, một người phụ nữ Indonesia, một người phụ nữ Việt Nam. Trong đó, 5 người bị xử tại đảo Nusakambangan, Cilacap, miền Trung Java, riêng Trần Thị Bích Hạnh bị xử tại huyện Boyolali.
Thắt chặt an ninh nơi xử tử các tử tù. Ảnh: AP
Thi thể của họ được mang ra khỏi đảo bởi xe cứu thương vào sáng 18-1 đến lò thiêu hoặc chôn cất theo yêu cầu của người thân hoặc đại diện đại sứ quán của họ. Tony Spontana nói thêm nguyện ước sau cùng của Bích Hạnh là đối mặt với đội xử bắn, không bịt mắt.
Hasan Makarim, dẫn đầu Hội đồng Ulema của Indonesia, người có nhiệm vụ đi gặp các tù nhân để nghe nguyện vọng, cảm xúc cũng như cầu nguyện cho họ trước khi họ bị hành hình cho biết vào ngày 16-1 rằng tất cả các phạm nhân trên đều chấp nhận số phận của họ. “Tất cả đã sẵn sàng, không ai đệ đơn kháng án. Họ nói họ chấp nhận phán quyết theo luật pháp của chúng ta” – Hasan nói với các phương tiện truyền thông.
Hasan Makarim đã đi một vòng quanh nhà tù ở đảo Nusakambangan, chuẩn bị tinh thần cho các tử tù và thêm rằng: “Tất cả họ đều khỏe mạnh. Rani Andriani, người phụ nữ Indonesia, một trong 5 tử tù ở đảo trên ăn chay và sẵn sàng cho hành trình của mình”. Rani Andriani yêu cầu được chôn cất gần mộ của mẹ mình ở Cianjur trong khi những người khác không yêu cầu gì cả.
Hai ngày trước khi xử tử, Indonesia cũng tiến hành tăng cường an ninh nhiều vòng tại đảo Nusakambangan, chỉ những nhân viên an ninh và người thân các tù nhân mới được phép ra vào.
Tổng thống Joko Widodo của Indonesia tháng 12-2014 đã từ chối tất cả các yêu cầu khoan hồng đối với 6 phạm nhân trên. Ông cùng đã từ chối Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và đề nghị của chính phủ Hà Lan xin giảm án cho hai công dân nước họ là Marco Archer Cardoso Moreira, 53 tuổi và Ang Kiem Soe, 52 tuổi. Ang Kiem Soe sinh ra ở Papua nhưng có quốc tịch Hà Lan.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Lan Bert Koenders tuyên bố rằng đã triệu hồi đại sứ nước này ở Indonesia về nước và cùng lúc triệu tập đại sứ Indonesia ở Hà Lan đến để phản đối việc xử tử Ang. Thêm vào đó, cả vua Willem-Alexander và Thủ tướng Mark Rutte của Hà Lan đều liên hệ riêng với Widodo nhưng vụ xử tử vẫn diễn ra. Bert Koenders gọi vụ xử tử là “hình phạt tàn nhẫn và vô nhân đạo ... một sự phủ nhận không chấp nhận được của nhân quyền và tình người".
Lãnh đạo Bộ Tư pháp Indonesia là Muhammad Prasetyo nói không lý do gì để tha cho những kẻ buôn bán ma túy và hy vọng hình phạt mạnh tay sẽ có tác dụng răn đe. Chính phủ nước này sẽ kiên quyết chiến đấu chống lại buôn bán ma túy. "Những gì chúng tôi làm là chỉ đơn thuần nhằm mục đích bảo vệ đất nước thoát khỏi sự nguy hiểm của ma túy” - Muhammad Prasetyo nhấn mạnh trong một cuộc họp báo trước đó.
Bình luận (0)