Thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa trải qua một tuần lao đao với gần 1.000 tỉ USD bốc hơi sau khi Bắc Kinh ban hành các quy định mới nhằm siết chặt quản lý các tập đoàn lớn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như mua sắm trực tuyến, giao đồ ăn, dạy thêm sau giờ học, giải trí… Mục tiêu của động thái này là bảo đảm an ninh quốc gia và chống độc quyền.
Theo trang Bloomberg, làn sóng bán tháo chứng khoán khởi đầu hôm 23-7 (thứ sáu) sau khi có thông tin Trung Quốc siết chặt quy định đối với ngành công nghiệp dạy thêm sau giờ học đang bùng nổ.
Một ngày sau đó, Bắc Kinh chính thức công bố quy định mới, theo đó yêu cầu các công ty cung cấp loại dịch vụ này phải đăng ký như tổ chức phi lợi nhuận, cũng như không được tổ chức dạy thêm vào ngày cuối tuần hoặc kỳ nghỉ.
Quy định mới khiến cổ phiếu của một loạt tập đoàn giáo dục lao dốc không phanh. Cũng trong ngày 24-7, Trung Quốc ra lệnh cho hãng Tencent Holdings Ltd. từ bỏ độc quyền âm nhạc trực tuyến, bước đi mới nhất trong nỗ lực siết chặt quản lý các đại gia công nghệ tại nước này.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa trải qua một tuần sóng gió Ảnh: VCG
Đến ngày 26-7 (thứ hai), hiện tượng bán tháo trong lĩnh vực công nghệ bắt đầu lan rộng sang những lĩnh vực khác. Chỉ số CSI 300 (của các cổ phiếu niêm yết tại 2 thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến) giảm hơn 3% trong phiên giao dịch này.
Cùng ngày, Trung Quốc tiếp tục ban hành quy định mới yêu cầu các nền tảng giao hàng trực tuyến bảo đảm thu nhập cho người giao hàng dựa trên mức lương tối thiểu và giãn thời gian giao hàng để giảm áp lực cho các tài xế. Cổ phiếu của Công ty giao đồ ăn Meituan giảm hơn 15% trong bối cảnh doanh nghiệp này bị điều tra về nghi vấn độc quyền.
Hôm 27-7, Tencent tuyên bố ngừng chấp nhận tài khoản đăng ký mới trên ứng dụng WeChat cho đến đầu tháng 8 để "nâng cấp kỹ thuật bảo mật". Các nhà đầu tư xem đó là một lý do khác để bán tháo, khiến cổ phiếu Tencent giảm 9% trong phiên giao dịch này. Chưa hết, tin đồn về việc các quỹ đầu tư Mỹ đang bán bớt tài sản tại Trung Quốc và Hồng Kông khiến làn sóng bán tháo thêm mạnh mẽ.
Trong nỗ lực trấn an nhà đầu tư, Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) ngày 28-7 tiến hành họp trực tuyến với đại diện các ngân hàng đầu tư lớn, trong đó có Goldman Sachs Group Inc. và UBS Group AG. Truyền thông Trung Quốc cũng nhấn mạnh chính sách mới liên quan đến các nền tảng internet và lĩnh vực dạy thêm sau giờ học không nhằm kiềm chế những ngành công nghiệp này.
Những động thái xoa dịu nói trên vẫn không ngăn được chỉ số CSI 300 giảm 0,8% trong phiên giao dịch ngày 30-7. Nếu tính từ ngày 26-7 thì chỉ số này giảm đến 5,5%. Đáng chú ý, nhà chức trách Trung Quốc sau đó còn cảnh báo các công ty công nghệ hàng đầu nước này về an ninh dữ liệu, cũng như khẳng định sẽ tăng cường giám sát hoạt động niêm yết ở nước ngoài.
Theo tờ The Wall Street Journal, giới đầu tư Mỹ không khỏi lo ngại khi chứng kiến giá trị của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ bị giảm 400 tỉ USD trong tháng 7 theo sau những quy định mới của Bắc Kinh. Một số nhà đầu tư thậm chí đang xem xét có nên tiếp tục rót tiền vào cổ phiếu các công ty trên hay không.
Trước mắt, Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) hôm 30-7 yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc nếu muốn niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ phải công bố rõ ràng hơn những rủi ro có thể gặp phải nếu đầu tư vào cổ phiếu của họ. Theo trang Axios, điều này đồng nghĩa các đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) tại Mỹ của doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bị hoãn hoặc cấm, ít nhất là vào lúc này.
Bình luận (0)