Trung Quốc trong tháng này ghi nhận một trong những vụ vỡ nợ doanh nghiệp lớn nhất từ khi Bắc Kinh phát động chiến dịch giảm nợ. Đó là Công ty Wintime Energy, nhà khai thác than đá tại tỉnh Sơn Tây, đang có khoản nợ khổng lồ trong thời gian ngắn.
Vay mượn quá đà
Đây cũng là kết cục khó tránh của công ty đang đối mặt khoản nợ 72,2 tỉ nhân dân tệ (khoảng 10,8 tỉ USD). Đáng chú ý là món nợ của Wintime đã phình to gấp 4 lần trong chưa đầy 5 năm qua. Kế hoạch ban đầu của Wintime là vay mượn để trang trải các thương vụ thâu tóm và nỗ lực mở rộng sang những lĩnh vực như tài chính và logistics. Khi chi phí vay mượn sụt giảm vào năm 2014, công ty này đã tận dụng tối đa sự hào phóng của các chủ nợ. Dù vậy, mọi chuyện thay đổi vào năm 2016 khi Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu chú trọng kiềm chế rủi ro tài chính.
Vào đầu tháng này, Wintime không thể thanh toán được khoản trái phiếu ngắn hạn trị giá 1,5 tỉ nhân dân tệ, dẫn đến việc mất khả năng chi trả 13 loại trái phiếu khác trị giá có tổng giá trị 9,9 tỉ nhân dân tệ. Một quan chức giấu tên tại Wintime tiết lộ với Bloomberg rằng họ đang tìm cách vay nợ mới và đề xuất bán tài sản để trả khoản nợ hiện tại.
Theo trang Bloomberg, câu chuyện của Wintime phần nào báo hiệu một năm được dự báo là tồi tệ nhất của các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp. Ông Qin Han, chuyên gia tại Ngân hàng Guotai Junan Securities, nhận định tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi nợ và nhiều công ty có thể không cố gắng trả nợ nếu gặp phải những khó khăn tài chính. Vấn đề là ngày càng có nhiều doanh nghiệp gặp khó giữa lúc nhà chức trách phát động chiến dịch giảm nợ thông qua các biện pháp như siết chặt quy định về quản lý tài sản, tăng lãi suất cho vay, trấn áp hệ thống ngân hàng "ngầm"…
Không ít công ty đã quen với việc dùng tiền mới vay để trả nợ cũ nên họ không có kinh nghiệm ứng phó và kế hoạch thay thế khi thay đổi diễn ra. Việc không thể vay mượn thêm tiền khiến họ gặp khó trong việc che giấu những rắc rối gặp phải" - ông Ivan Chung, chuyên gia tại Công ty Dịch vụ tài chính Moody’s Investors Service (Mỹ), giải thích.
Vỡ nợ trái phiếu được cho là có lợi cho sự phát triển lâu dài của các thị trường tại Trung Quốc Ảnh: Reuters
Sắp phá kỷ lục?
Wintime dĩ nhiên không phải là công ty duy nhất gặp khó vì vay mượn quá đà. Theo thống kê của Bloomberg, các doanh nghiệp Trung Quốc đã không thanh toán được số trái phiếu trị giá 16,5 tỉ nhân dân tệ từ đầu năm đến giờ - đến gần kỷ lục 20,7 tỉ nhân dân tệ thiết lập năm 2016. Ngoài ra, các công ty vay tiền đã lỡ hạn thanh toán ít nhất 20 trái phiếu nội địa từ đầu năm đến nay.
Đáng lo là những con số này được dự báo còn tăng trong bối cảnh quy mô thị trường trái phiếu nội địa Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi (hiện ở mức 12.000 tỉ USD, lớn thứ 3 thế giới). Thị trường này trở nên sôi động sau khi Bắc Kinh khuyến khích các công ty phát hành trái phiếu để thu hút vốn trong nỗ lực giúp nền kinh tế giảm bớt phụ thuộc vào các ngân hàng quốc doanh.
"Viễn cảnh lợi nhuận của doanh nghiệp trở nên xấu hơn trong năm nay và khó có khả năng cải thiện trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại. Việc tái cấp vốn sẽ tiếp tục khó khăn chừng nào chiến dịch trấn áp hệ thống ngân hàng ngầm vẫn tiếp diễn" - ông Li Shi, lãnh đạo bộ phận xếp hạng và nghiên cứu trái phiếu tại Công ty China Chengxin International Credit Rating, đánh giá. Chưa hết, sự leo thang xung đột thương mại với Mỹ có thể khiến vỡ nợ gia tăng trong hệ thống tài chính Trung Quốc - theo bà Jing Ulrich, Phó Chủ tịch Ngân hàng JPMorgan Chase & Co. phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cảnh báo thêm.
Mặt khác, sự gia tăng của số lượng vụ vỡ nợ cho thấy các cơ quan quản lý Trung Quốc đang ngày càng làm ngơ, để các công ty gặp khó tự xoay xở thay vì ra tay giúp đỡ. Giới chức ngân hàng trung ương Trung Quốc cho rằng vỡ nợ trái phiếu có lợi cho sự phát triển lâu dài của các thị trường tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Bình luận (0)