Mới tháng trước, người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid khẳng định IS-K, nhóm khủng bố là chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, không hề hiện diện ở Afghanistan.
"Chỉ có vài người Afghanistan tiêm nhiễm ý thức hệ của IS... Lực lượng an ninh của chúng tôi đã sẵn sàng ngăn chặn những người này" - ông Mujahid nhấn mạnh.
Tuyên bố này ngày càng bị ngờ vực sau vụ đánh bom tự sát mới nhất nhằm vào Imam Bargah - thánh đường Hồi giáo Shiite lớn nhất ở TP Kandahar, miền Nam Afghanistan, hôm 16-10. Hãng thông tấn Bakhtar của Afghanistan đưa tin 32 người thiệt mạng, 68 người bị thương, trong khi Reuters cho biết số nạn nhân tử vong ít nhất là 35 người.
Đây là tuần thứ hai liên tiếp xảy ra nổ bom nhằm vào những người Shiite thiểu số đang cầu nguyện trong ngày thứ sáu. Hôm 8-10, 46 người thiệt mạng bên trong một thánh đường Shiite ở TP miền Bắc Kunduz. Nhiều ngày trước đó là một vụ tấn công khác ở một thánh đường ngay tại thủ đô Kabul.
Taliban tuần tra bên ngoài một khu vui chơi ở Kabul - Afghanistan hôm 15-10 Ảnh: REUTERS
IS-K nhận trách nhiệm tất cả. Kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan 2 tháng trước, IS-K đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công, bao gồm đánh bom tự sát ở sân bay quốc tế Kabul vào tháng 8 và liên tục "tỉa" thành viên Taliban ở TP Jalalabad.
Mặc cho Taliban tuyên bố sẽ "đưa thủ phạm ra công lý", không dễ để nhổ rễ IS-K. Ngay cả khi ảnh hưởng ở Afghanistan còn tương đối nhỏ, trong những năm gần đây, IS-K đã đủ sức tấn công tinh vi từ chính phủ, Taliban và các mục tiêu quốc tế.
"Sau mùa đông tới, IS-K sẽ mạnh hơn ở nhiều khu vực khác nhau tại Afghanistan" - ông Rahmatullah Nabil, cựu Giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia Afghanistan, dự báo với tạp chí Newsweek từ một địa điểm bí mật.
Trách nhiệm an ninh trên vai Taliban thêm nặng nề nếu mạng lưới khủng bố al-Qaeda gầy dựng lại thế lực ở Afghanistan như cảnh báo của nhiều nhà quan sát, chính trị gia và lãnh đạo quân sự trên thế giới.
Kịch bản này một khi xảy ra, theo Newsweek, sẽ khiến Taliban phải trả giá đắt bởi Mỹ vẫn thừa sức không kích bên trong lãnh thổ Afghanistan nếu cần. Ông Omar Zakhilwal, cựu Bộ trưởng Tài chính Afghanistan, cho rằng Taliban đang cố tránh tình huống đó.
"Taliban hiểu tầm quan trọng của việc được thế giới công nhận vì như vậy mới nhận được viện trợ nhân đạo và tài chính" - ông Zakhilwal đề cập tình trạng bi đát mà hơn 30 triệu dân Afghanistan đang đối mặt khi mùa đông đến gần.
Hiện nước này còn gần 3,5 triệu người phải bỏ nhà cửa và khoảng 500.000 người đang chen chúc trong các khu lều không điện, nước ở Kabul trong khi nhiệt độ mùa đông có thể xuống mức -5 độ C.
Tuy nhiên, Taliban chưa chắc làm được những gì họ tuyên bố, bởi theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, hàng trăm tay súng IS đang tràn qua miền Bắc Afghanistan với âm mưu cải trang thành người tị nạn để xâm nhập các nước thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á và tiếp đó là kích động các bất đồng về tôn giáo và sắc tộc.
"Tình báo của chúng tôi cho biết số tay súng IS ở riêng miền Bắc Afghanistan đã là khoảng 2.000" - ông Putin nói trong cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các nước thuộc Cộng đồng Các quốc gia độc lập (CIS) hôm 15-10.
Tình hình càng phức tạp hơn khi chính IS-K tiết lộ kẻ đánh bom tự sát trong thánh đường ở Kunduz là một người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Theo nguồn tin của trang US News, tiết lộ này khiến giới chức Trung Quốc cực kỳ lo ngại, thậm chí có thể cản trở các ý định hợp tác đầu tư lớn hơn với chính phủ do Taliban thành lập.
Bình luận (0)