Nhà khoa học về khí hậu Dewi Kirono tại Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung Úc (CSIRO) nói với đài CNN hôm 25-7: "Trong 30 năm tới, các trận mưa lớn được dự báo sẽ tăng... Ở châu Á, tỉ lệ gia tăng vào khoảng 20%".
Mưa ngày càng nhiều
Không chỉ là khu vực ẩm ướt nhất châu lục, Nam Á còn là một trong những nơi ẩm ướt nhất thế giới với lượng mưa trung bình ít nhất 1.000 mm/năm.
Một nghiên cứu vài năm trước chỉ ra rằng nếu mưa tiếp tục nghiêm trọng, hơn 137 triệu người ở Ấn Độ, Bangladesh và Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Con số này cao hơn tổng số người đối mặt nguy cơ tương tự tại những nước còn lại ở châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Abhas Jha, một quan chức Ngân hàng Thế giới (WB), nhận định lũ lụt tại những khu vực đô thị gây nhiều thiệt hại hơn do quá trình đô thị hóa tràn lan nhưng lại thiếu giải pháp đối phó với nước lũ, như hệ thống thoát nước chưa được đầu tư hợp lý.
Cảnh báo trên được đưa ra giữa lúc Myanmar đang khổ sở vì lũ lụt. Thiên tai này khiến 2 người thiệt mạng, hơn 100.000 người sơ tán và cuốn trôi cả một ngôi chùa. "Tình hình đã được kiểm soát nhưng những gì tiếp theo còn phụ thuộc vào thời tiết" - Bộ trưởng Bộ Phúc lợi xã hội, Cứu trợ và Tái định cư Ko Ko Naing nói với Reuters hôm 24-7.
Trước đó, khoảng 500.000 người phải sơ tán khi bão Mora tấn công Bangladesh vào cuối tháng 5. Vài tuần sau, hơn 12 triệu người ở khu vực núi Himalaya ở phía Nam Trung Quốc phải rời khỏi nhà cửa vì nước lũ dâng cao. Chỉ riêng tỉnh Giang Tây - Trung Quốc, lũ lụt gây thiệt hại kinh tế khoảng 430 triệu USD từ đầu năm đến giờ. Tại tỉnh Hồ Nam, khoảng 53.000 ngôi nhà bị phá hủy và nước lũ vẫn chưa rút hẳn.
Người dân ở bang Mon - Myanmar đang bị ảnh hưởng bởi lũ lụt Ảnh: Reuters
Thách thức lớn nhất
Một báo cáo mới của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (Đức) cũng nêu bật tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu lên châu Á.
Cụ thể, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch bừa bãi có thể làm nhiệt độ tại châu lục này tăng thêm 6 độ C, từ đó khiến hàng trăm triệu người đối mặt nguy cơ lũ lụt và tình trạng thiếu lương thực trong lúc kinh tế tăng trưởng chậm lại. Số ca tử vong liên quan đến nhiệt độ cao ở người già dự kiến tăng thêm 52.000 ca vào năm 2050. Đi cùng với sự gia tăng nhiệt độ là mưa nhiều hơn và bão mạnh hơn khiến thiệt hại từ thiên tai thêm nghiêm trọng.
Theo dự báo, thiệt hại do lũ lụt gây ra trên toàn cầu mỗi năm có thể tăng lên 52 tỉ USD vào năm 2050, so với mức 6 tỉ USD vào năm 2005. Ngoài ra, 13/20 thành phố khắp thế giới dự kiến bị thiệt hại nặng nề nhất bởi lũ lụt trong 30 năm tới nằm tại châu Á.
Hoạt động sản xuất lương thực cũng chịu ảnh hưởng, chẳng hạn sản lượng gạo ở Đông Nam Á nhiều khả năng giảm 50%. Tình trạng thiếu lương thực có thể làm tăng số trẻ em bị suy dinh dưỡng ở Nam Á lên 7 triệu người.
Biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng tẩy trắng, phá hủy nhiều rạn san hô trong khu vực. Thêm vào đó, mực nước biển được dự báo tăng 1,4 m vào năm 2100 và tăng hơn 5 m trong những thế kỷ tới.
"Cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu là thách thức lớn nhất mà nền văn minh nhân loại phải đối mặt trong thế kỷ XXI, đặc biệt là châu Á - Thái Bình Dương. Là nơi sinh sống của 2/3 người nghèo trên thế giới, các nước ở khu vực này dễ rơi vào tình trạng đói nghèo cao nhất nếu những nỗ lực giảm thiểu rủi ro và thích ứng với thiên tai không được thực hiện nhanh chóng và mạnh mẽ" - ông Bambang Susantono, một chuyên gia của ADB, cảnh báo.
Bình luận (0)