Khi tiếng chuông vang lên giữa khí trời se lạnh ở miền Bắc, nhiều người bật khóc, nắm chặt tay nhau và cúi đầu cầu nguyện. Tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe và Nhật hoàng Akihito đặt hoa tưởng nhớ. “Nhiều nạn nhân của thảm họa ngày càng cao tuổi và tôi lo một số người phải chịu cảnh sống cô lẻ ở những nơi mà chúng ta không biết” - Nhật hoàng Akihito nói.
Đã 5 năm trôi qua, đường sá, lưới điện... dần được phục hồi, chính phủ sử dụng công nghệ robot để làm sạch môi trường trong khu vực bị ảnh hưởng. Dù vậy, với nhiều người dân ở tỉnh Fukushima, cuộc sống còn lâu mới trở lại được như xưa. Ngôi làng chài ven biển Namie ở Fukushima vẫn là một thị trấn ma.
Theo thống kê của chính phủ Nhật Bản, khoảng 7% diện tích tỉnh Fukushima không sinh sống được do có hàm lượng phóng xạ cao, hậu quả của thảm họa hạt nhân tại Nhà máy Fukushima số 1 sau động đất - sóng thần. Bên cạnh đó, những tổn thương tinh thần sau thảm họa và sự căng thẳng khi phải liên tục chuyển nhà làm người dân gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như rối loạn tâm lý, tiểu đường và cao huyết áp...
Đối mặt những thách thức trên, Thủ tướng Abe cam kết tăng cường nỗ lực tái thiết những khu vực chịu thiệt hại trước thềm Thế vận hội mùa hè 2020. Ông cũng đặt những mục tiêu tham vọng là mở lại tuyến đường sắt ven biển bị hư hại ở Fukushima và tăng gấp 3 lượng du khách nước ngoài đến vùng Tohoku ở miền Bắc vào năm 2020. Ngoài ra, Tokyo hy vọng 37 quốc gia sẽ dỡ bỏ cấm vận đối với thực phẩm nhập khẩu từ khu vực Fukushima.
Trong khi đó, hãng tin AP hôm 11-3 đưa tin lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản nối lại hoạt động tìm kiếm những người mất tích. Theo cảm nhận của ông Masaki Kamei, bác sĩ từ Tokyo đến thăm vùng thảm họa mỗi năm, cuộc sống đang dần trở lại. “Điều khác biệt so với năm ngoái là ngư dân đã giong buồm đánh cá từ lúc bình minh, các thị trấn bắt đầu nhộn nhịp, âm thanh của các công trình tái thiết vang lên” - ông Kamei chia sẻ.
Bình luận (0)