Theo website chuyên về tin tình báo DEBKAfile, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ ra quyết định cuối cùng sau khi Lầu Năm Góc trình các kế hoạch hành động. Nhiều khả năng các đồng minh đã cùng Mỹ tham gia chiến dịch tại Libya sẽ cùng tham chiến tại Syria.
Ngoài ra, ông Obama cũng chờ báo cáo của Ngoại trưởng Hillary Clinton về hội nghị “Những người bạn của Syria” diễn ra ở Tunis - Tunisia hôm nay, 24-2. Tổng thống Mỹ muốn biết liệu Ả Rập Saudi, Ai Cập, Qatar có chịu hỗ trợ một chiến dịch quân sự vào Syria do Mỹ và phương Tây dẫn đầu hay không.
Một chiếc xe thiết giáp của quân đội Syria bị hư hỏng ở Homs. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, kịch bản cho Syria không giống Libya. Trước đây, phương Tây không kích Libya dựa trên cơ sở nghị quyết thiết lập vùng cấm bay của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Lần này, sự phủ quyết của Nga và Trung Quốc buộc Mỹ và phương Tây phải chọn phương án khác, đó là sử dụng lực lượng hạn chế - có thể là trên danh nghĩa nhóm “Những người bạn của Syria”.
CNN ngày 23-2 đã dẫn một báo cáo mới về Syria của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong đó cho biết cần triển khai hơn 75.000 binh sĩ mới bảo đảm được an toàn cho các kho vũ khí hóa học của Syria trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Chưa hết, có khoảng 50 nơi sản xuất vũ khí hóa học trên toàn lãnh thổ Syria, chưa kể kho chứa và trung tâm nghiên cứu.
Ngày 23-2, Ngoại trưởng Anh William Hague tuyên bố: “Chính phủ trên khắp thế giới có trách nhiệm phải hành động để chấm dứt bạo lực đẫm máu tại Syria”.
Ông Hague không hề đả động đến chuyện thay đổi chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad hay giải thích cụ thể “hành động” ở đây là gì. Nguyên nhân là theo các nguồn tin quân sự của DEBKAfile, là do Anh đang chờ quyết định cuối cùng của Tổng thống Obama về việc Mỹ có tham gia và tham gia đến mức độ nào vào chiến dịch quân sự tại Syria.
Nga đẩy mạnh ngoại giao về Syria
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và vị đồng nhiệm ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) Sheikh Khalifa bin Zayed bin Sultan Al Nahayan hôm 23-2 đã có cuộc điện đàm bàn về tình hình ở Syria.
Điện Kremlin ra tuyên bố cho biết: “Hai bên đã dành sự lưu tâm đáng kể cho việc cần thiết phải chấm dứt bạo lực ở nước này dù nó xuất phát từ đâu và thiết lập cuộc đối thoại bao gồm tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột ở Syria”.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: RIA NOVOSTI
Giống các quốc gia vùng Vịnh khác như Ả Rập Saudi và Qatar, UAE cũng được đánh giá là ủng hộ cho phe đối lập ở Syria. Trong khi đó, Nga chống lại việc thay đổi chế độ của TT Syria Bashar al-Assad.
Trước đó, hôm 22-2, TT Medvedev cũng đã điện đàm với Thủ tướng Iraq Nouri Maliki, Quốc vương Ả Rập Saudi Abdullah bin Abdul-Aziz Al Saud và TT Iran Mahmoud Ahmadinejad, một trong những đồng minh chính của TT Assad trong khu vực.
Hãng tin SPA của Ả Rập Saudi đưa tin rằng Quốc vương Abdullah đã đề nghị TT Medvedev bàn bạc với các nước Ả Rập trước khi sử dụng quyền phủ quyết. |
Bình luận (0)