Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands, bang California ngày 15-2 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh là một thành viên tích cực và trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam đã nỗ lực đóng góp vì Cộng đồng ASEAN và sự phát triển thịnh vượng trong khu vực.
Hội nhập quốc tế sâu rộng
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đồng thời tích cực triển khai chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng và tham gia liên kết kinh tế trên nhiều tầng nấc, trong đó Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là những khuôn khổ then chốt.
Nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của quan hệ ASEAN - Mỹ đối với hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị thời gian tới, 2 bên cần triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác đã thỏa thuận, nhất là Kế hoạch hành động ASEAN - Mỹ giai đoạn 2016 - 2020, gia tăng hợp tác, đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, tri thức, công nghệ giữa các doanh nghiệp ASEAN và Mỹ nhằm hỗ trợ ASEAN xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo, năng động, nâng cao năng lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin và phát triển bền vững.
Thủ tướng cũng đề xuất thành lập một Trung tâm ASEAN - Mỹ về hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ đặt tại Việt Nam nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo cũng như sự kết nối của các doanh nghiệp ASEAN.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định cuộc gặp gỡ mang tính cột mốc trên đất Mỹ lần này thể hiện cam kết của cá nhân ông và cả nước Mỹ trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác mạnh mẽ và lâu dài với 10 quốc gia Đông Nam Á. Thể hiện sự cảm kích vì lòng mến khách của ASEAN, ông chủ Nhà Trắng hy vọng có thể đáp lại bằng sự nồng ấm trong cuộc họp thượng đỉnh kéo dài 2 ngày này. Đó cũng là lý do cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN tại xứ cờ hoa được chọn tổ chức ở Sunnylands ấm áp, thay vì Washington đang lạnh giá.
Tuyên bố chung về biển Đông
Biển Đông là trọng tâm thảo luận trong phiên họp ngày 16-2 (giờ địa phương) theo sau phiên họp đầu tiên với chủ đề “Thúc đẩy thịnh vượng khu vực dựa trên sự đổi mới và phát triển của doanh nghiệp”. Giới chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama sẽ phát đi thông điệp cứng rắn đến Trung Quốc rằng tranh chấp ở biển Đông phải được giải quyết hòa bình chứ không phải bằng sự hung hãn, ức hiếp. Điều này thể hiện rõ qua phát biểu của ông Obama tại lễ khai mạc: “Tại hội nghị thượng đỉnh này, chúng ta có thể nâng cao tầm nhìn chung về trật tự khu vực. Trong đó, các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế - như tự do đi lại trên biển - được ủng hộ và các tranh chấp được giải quyết bằng biện pháp hợp pháp, hòa bình”.
Tại cuộc họp báo diễn ra trước thềm hội nghị, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Susan Rice cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN - Mỹ sẽ ra tuyên bố chung đề cập tới tranh chấp ở biển Đông. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác ASEAN về tuyên bố này nhưng nó không chỉ tập trung vào biển Đông. Chúng tôi từng ra các tuyên bố trước đây và chúng tôi vẫn không ngừng giữ vững các cam kết chung về giải pháp hòa bình đối với tranh chấp và tự do thương mại và hàng hải”.
Nhà Trắng coi sự kiện lịch sử này là cơ hội để củng cố chiến lược xoay trục sang châu Á của ông Obama và khẳng định tầm quan trọng ngày càng lớn hơn của ASEAN. Tuy nhiên, theo báo giới phương Tây, mục tiêu cấp bách hơn là bảo đảm một mặt trận thống nhất chống các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc ở biển Đông.
Việt Nam đề nghị Mỹ lên tiếng mạnh về biển Đông
Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến Tổng thống Barack Obama để trao đổi về quan hệ song phương. Theo TTXVN, tại cuộc hội kiến kéo dài gần 40 phút, Thủ tướng cho biết Việt Nam rất quan ngại trước tình hình biển Đông ngày càng phức tạp - đặc biệt là những hành động đơn phương bồi đắp quy mô lớn, thực sự đe dọa hòa bình, an ninh khu vực. Thủ tướng đề nghị Mỹ có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn để yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng biển Đông, chấm dứt ngay việc quân sự hóa ở biển Đông...Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết thêm 2 nhà lãnh đạo đã ghi nhận tầm quan trọng của TPP, an ninh hàng hải và nhân quyền trong việc tăng cường quan hệ song phương. Tại cuộc gặp, Tổng thống Obama cũng thông báo sẽ thăm Việt Nam vào tháng 5 tới.
Trong khi đó, tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo, 2 bên nhất trí tăng cường hợp tác về kinh tế đầu tư, phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các vấn đề liên quan đến ngư dân và tàu cá Việt Nam. Về hợp tác an ninh - quốc phòng, 2 nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy sớm ký thỏa thuận tuần tra song phương, phối hợp chống khủng bố trong khu vực, lập đường dây nóng giữa hải quân 2 nước…
Tiếp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị 2 bên cần phối hợp triển khai tốt Bản ghi nhớ về hợp tác lao động và Thỏa thuận tuyển dụng lao động vừa ký tháng 7-2015. Bên cạnh đó, theo TTXVN, Thủ tướng đề nghị Thái Lan phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong giải quyết vấn đề ngư dân, tàu thuyền theo tinh thần nhân đạo, tình cảm hữu nghị của nhân dân 2 nước và quan hệ đối tác chiến lược.
Bình luận (0)