Yêu cầu và bác bỏ trên được đưa ra tại Đối thoại Ngoại giao và An ninh Mỹ - Trung tại thủ đô Washington - Mỹ. Đại diện nước chủ nhà là Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Mike Pompeo trong khi phái đoàn Trung Quốc do ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị và Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phụng Hòa dẫn đầu.
Đây là cuộc đối thoại lần thứ 2 trong khuôn khổ sáng kiến do Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng tại cuộc gặp hồi tháng 4-2017.
Tại cuộc họp báo sau đối thoại, ông Dương cảnh báo Mỹ không nên có những hành động làm tổn hại "chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc". Đáp lại, theo báo South China Morning Post, ông Mattis khẳng định máy bay và tàu chiến Mỹ sẽ hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép trong lúc ông Pompeo chỉ trích Bắc Kinh "quân sự hóa" biển Đông.
Khung cảnh Đối thoại Ngoại giao và An ninh Mỹ - Trung hôm 9-11 Ảnh: REUTERS
Bất chấp những trao đổi căng thẳng này, hai bên dường như xem cuộc đối thoại mới nhất là mang tính xây dựng và tìm cách bảo đảm căng thẳng trong quan hệ song phương không leo thang. Ngoại trưởng Pompeo khẳng định Washington không theo đuổi chiến tranh lạnh hoặc chính sách kiềm chế Bắc Kinh.
"Thay vào đó, chúng tôi muốn bảo đảm Trung Quốc hành động có trách nhiệm và công bằng, hỗ trợ an ninh và thịnh vượng của hai nước" - quan chức ngoại giao hàng đầu Mỹ nhấn mạnh. Ông Dương cũng tìm cách giảm nhẹ sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới khi tuyên bố Trung Quốc không có ý "thách thức hoặc thay thế bất kỳ ai".
Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại những vụ việc như hồi tháng 9 sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong bối cảnh Bắc Kinh triển khai thêm tàu, máy bay để thách thức sự thống trị của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Washington cho biết đã ghi nhận 18 trường hợp không an toàn liên quan đến tàu, máy bay Mỹ và Trung Quốc ở khu vực này kể từ năm 2016.
Ông Brendan Taylor, chuyên gia tại Trường ĐH Quốc gia Úc, cảnh báo với tờ The New York Times rằng một cuộc đụng độ Mỹ - Trung tại các điểm nóng ở châu Á chỉ còn là vấn đề thời gian và có nguy cơ leo thang thành khủng hoảng nghiêm trọng hơn.
Vì thế, cuộc đối thoại nói trên được xem là cơ hội mới nhất để Mỹ và Trung Quốc thảo luận về những vấn đề quan trọng với cả hai nước giữa lúc quan hệ song phương đang xấu đi bởi đủ loại bất đồng. Sau đối thoại, hai nước còn có dịp đối thoại nữa khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến gặp nhau bên lề Hội nghị Cấp cao nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Argentina vào cuối tháng này với tâm điểm là cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết.
Ông Daniel Russel, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ thời Tổng thống Barack Obama, thúc giục hai bên tận dụng các cuộc gặp để nói rõ về các mục tiêu và nỗi lo chiến lược, cũng như loại quan hệ song phương mong muốn và bắt đầu thăm dò phương thức đạt được mục tiêu.
Bình luận (0)