Thời gian gần đây, Ukraine liên tục đề cập khả năng tiếp nhận tiêm kích phương Tây, trong đó có F-16, sau khi Mỹ cùng đồng minh quyết định cung cấp hơn 300 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams và Leopard 2.
Kiev dường như tự tin rằng giống như xe tăng chủ lực của phương Tây, cuối cùng Ukraine cũng sẽ có được máy bay F-16. Ông Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, hồi tuần trước nói với CNBC: "Chúng tôi sẽ mua F-16".
Thế nhưng, ông Biden đã dội một gáo nước lạnh vào ý tưởng đó vào ngày 30-1. Khi báo giới hỏi liệu có ủng hộ phương án chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine hay không, ông Biden đáp: "Không".
Tiêm kích F-16 Mỹ cất cánh tại Ý vào tháng 6-2022. Ảnh: USAF
Theo đài CBS, các quan chức Mỹ trước đó đã tỏ ra lạc quan với khả năng này. Tuần trước, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jon Finer nói với kênh MSNBC rằng Mỹ sẽ thảo luận về ý tưởng cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine "rất cẩn thận" với Ukraine và các đồng minh.
Ông John Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nói với các phóng viên vào tuần trước rằng "không có gì ngạc nhiên" khi Ukraine yêu cầu máy bay chiến đấu và Washington đang "thảo luận liên tục" với Ukraine về vấn đề này.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông không loại trừ khả năng gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine, nhưng đặt ra một số điều kiện trước khi có thể thực hiện một bước đi quan trọng như vậy.
Khi được hỏi về khả năng chuyển giao máy bay phản lực cho quân đội Kiev tại một cuộc họp báo ở The Hague - Hà Lan, ông Macron nói với các phóng viên rằng "về nguyên tắc không loại trừ khả năng đó". Tổng thống Macron nhấn mạnh Kiev sẽ bị cấm sử dụng máy bay phản lực của Pháp để tấn công lãnh thổ Nga.
Ngoài ra, trong số các điều kiện ông Macron đưa ra còn bao gồm việc cung cấp các thiết bị như vậy sẽ không dẫn đến leo thang căng thẳng, không làm suy yếu năng lực của quân đội Pháp.
Theo đài RT, phát ngôn của ông Macron được đưa ra ngày 30-1, sau cuộc gặp với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.
Binh sĩ Ukraine ngồi trên một chiếc xe chiến đấu bộ binh ở Donetsk ngày 30-1. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Mark Rutte đã nói với các phóng viên rằng chính phủ của ông nhận thấy "không có gì cấm kỵ" xung quanh việc gửi máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất tới Ukraine, đồng thời thừa nhận đó sẽ là một "bước tiến lớn".
Thủ tướng Hà Lan cho biết thêm cho đến nay, Ukraine chưa chính thức yêu cầu máy bay chiến đấu F-16 của Hà Lan.
Tờ Politico dẫn lời một nhà ngoại giao từ châu Âu cho rằng đầu năm ngoái, các đồng minh phương Tây đã đồng ý một "chính sách bất thành văn" về việc không cung cấp cho Ukraine một gói vũ khí đầy đủ toàn diện sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, vì lo sợ "phản ứng lớn từ Moscow".
Đến nay, Mỹ và các nước châu Âu chưa chuyển tiêm kích cho Ukraine do lo ngại nguy cơ leo thang chiến sự, bất chấp nhiều lần phá rào để viện trợ vũ khí hạng nặng.
Vào ngày 27-1, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius bác khả năng chuyển tiêm kích cho Ukraine do đây là vũ khí phức tạp hơn xe tăng chủ lực, cũng như có tầm hoạt động và hỏa lực khác hoàn toàn.
Bình luận (0)