Hãng tin AP dẫn thông báo của Sở Y tế bang New York cho hay nam bệnh nhân sống ở hạt Rockland, hiện đã bị liệt. Anh đã xuất hiện các triệu chứng 1 tháng trước và không hề đi du lịch nước ngoài thời gian gần đây.
Bệnh nhân chưa từng tiêm chủng bệnh bại liệt. Các quan chức y tế cho biết anh bị nghi ngờ nhiễm một chủng virus có nguồn gốc từ vắc-xin, có thể từ một người vừa sử dụng loại vắc-xin sống giảm độc lực, hiện đã ngưng sử dụng tại Mỹ. Do đó họ nghi ngờ nguồn gốc sâu xa của căn bệnh là do một người nhập cảnh nào đó.
Virus bại liệt - Ảnh: AP
Hiện nam bệnh nhân đã qua giai đoạn có thể truyền bệnh cho người khác nhưng nhà chức trách vẫn tìm kiếm những người có liên quan để tìm hiểu nguồn gốc của ca bệnh cũng như loại trừ nguy cơ họ cũng tiếp xúc với virus.
Theo chuyên gia dịch tễ Jennifer Nuzzo từ Trường Đại học Brown - Mỹ, dù hầu hết người Mỹ đã được tiêm chủng, đây là lời cảnh tỉnh cho những ai chưa được tiêm vắc-xin ngừa bại liệt.
Vào cuối tháng 6, dấu vết của virus bại liệt cũng xuất hiện trong nước thải ở Anh, cũng nghi là một mẫu virus "rơi ra" từ người uống vắc-xin sống giảm độc lực ngừa bệnh bại liệt (OPV).
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 2 loại vắc-xin ngừa bại liệt là vắc-xin sống giảm độc lực dùng đường uống (OPV) và vắc-xin bất hoạt dạng tiêm (IPV).
Chỉ có OPV có khả năng phát tán virus ra môi trường thông qua chất thải của người vừa được uống vắc-xin, dù đã bị giảm độc lực nhưng virus này vẫn có một khả năng thấp gây nhiễm bệnh cho người chưa được tiêm chủng, do đó WHO khuyến nghị các quốc gia nên nỗ lực thay thế OPV bằng IPV.
Bại liệt hiện vẫn là Tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng toàn cầu (PHEIC), vẫn lưu hành thường xuyên ở một số nước châu Phi và Nam Á cho dù đã "tuyệt chủng" nhiều thập kỷ ở các quốc gia mà căn bệnh được tiêm chủng rộng rãi.
Tại Việt Nam, bại liệt nằm trong các bệnh nguy hiểm mà trẻ em được phòng ngừa thông qua chương trình tiêm chủng mở rộng (miễn phí).
Tây Ban Nha xác định ca sốt xuất huyết "tử thần" không do muỗi
Theo Reuters, một người đàn ông trung niên đã nhập viện tại vùng Castile và Leon của Tây Ban Nha với chẩn đoán mắc bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo (CCHF).
WHO cho biết căn bệnh này có tỉ lệ tử vong rất cao, khoảng 10%-40%, phát hiện lần đầu tiên ở Crimea vào năm 1944. Các ca bệnh thường được tìm thấy ở châu Phi, vùng Balkan, Trung Đông và châu Á, thỉnh thoảng ở châu Âu.
Bệnh có thể lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc với máu và dịch cơ thể, hoặc lây qua vật chủ trung gian là những con bọ ve chứ không phải muỗi như sốt xuất huyết Dengue.
Tây Ban Nha phát hiện trường hợp CCHF đầu tiên vào năm 2011 và một trường hợp nghi nhiễm khác là nam bệnh nhân tử vong năm 2016 sau khi bị bọ ve cắn.
Bình luận (0)