Việc 2 tàu sân bay Mỹ cùng hiện diện ở biển Đông lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua cho thấy Washington đang thách thức mạnh mẽ yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh tại khu vực. Tuyên bố của Hải quân Mỹ nêu rõ động thái này nhằm ủng hộ quyền tự do hàng hải, hàng không và hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép của tất cả quốc gia, cũng như nêu bật cam kết của Washington đối với thỏa thuận quốc phòng với các đồng minh, đối tác tại khu vực…
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục xấu đi trong năm nay, Washington đã tăng dần nhịp độ các hoạt động ở biển Đông, trong đó có các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải và tập trận chung với hải quân một số quốc gia đối tác như Nhật Bản, Singapore… Thông qua động thái đưa 2 tàu sân bay USS Nimitz, USS Ronald Reagan cùng một số tàu khu trục mang tên lửa hành trình dẫn đường đến biển Đông vào cuối tuần rồi, Mỹ dường như phát đi thông điệp rõ ràng là sẽ không nhường ảnh hưởng lại cho Trung Quốc ở khu vực.
Hai tàu sân bay USS Nimitz, USS Ronald Reagan và một số tàu chiến, máy bay Mỹ tập trận ở biển Đông hôm 6-7Ảnh: Hải quân Mỹ
Ông Carl Schuster, cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm Tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, đánh giá các cuộc tập trận giữa 2 tàu sân bay nói trên thể hiện sức mạnh mà hiện chỉ mới Hải quân Mỹ có được. Đó là chưa kể 2 tàu USS Nimitz, USS Ronald Reagan vừa kết thúc cuộc tập trận với tàu sân bay thứ ba USS Theodore Roosevelt tại biển Philippines gần đó. "Điều này phát đi tín hiệu quân sự lẫn địa chính trị đến Trung Quốc và cả khu vực. Cuộc tập trận của Hải quân Mỹ cho thấy lực lượng nào đang có sức mạnh tiềm tàng lớn hơn" - ông Schuster nhận định với đài CNN.
Trong khi đó, ông Gregory Poling, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nhận định với đài CNBC rằng Mỹ muốn phát đi thông điệp rằng họ vẫn không chùn bước và đang hiện diện tại khu vực bất chấp truyền thông Trung Quốc từng nói tàu sân bay Mỹ bị "tê liệt" vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Sức nặng của thông điệp này càng gia tăng sau khi một máy bay ném bom B-52 bay không ngừng nghỉ trong 28 giờ từ căn cứ tại bang Louisiana - Mỹ đến tham gia cuộc tập trận ở biển Đông, qua đó cho thấy không quân nước này có khả năng triển khai lực lượng nhanh chóng đến những điểm nóng trên thế giới.
Không gì lạ khi Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ trước cuộc tập trận mới nhất của Mỹ ở biển Đông, ngay cả khi Bắc Kinh cũng vừa đồng loạt tập trận tại 3 vùng biển ở châu Á vào tuần rồi (biển Đông, biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải). Trong số này, cuộc tập trận tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 1 đến 5-7 bị cộng đồng quốc tế chỉ trích là hành động "cực kỳ khiêu khích".
Trong một thông điệp đăng tải trên trang Twitter, tờ Global Times khoe Trung Quốc có nhiều lựa chọn về vũ khí "sát thủ tàu sân bay", như 2 loại tên lửa DF-21D và DF-26. Trong khi đó, ông Wang Yun Fei, một sĩ quan Hải quân Trung Quốc đã về hưu, cho rằng Bắc Kinh sẵn sàng đối phó "các mối đe dọa" do Washington gây ra.
Trong bài viết đăng trên trang web của Đài Truyền hình Phượng Hoàng (Hồng Kông), ông Wang tiết lộ Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận bằng tên lửa đạn đạo và tên lửa diệt hạm ở biển Đông trong năm qua nhằm chuẩn bị cho các cuộc tấn công nhằm vào tàu sân bay nước ngoài. "Các cuộc tập trận mới nhất của Mỹ trong khu vực sẽ là mục tiêu thật để Hải quân Trung Quốc thử nghiệm năng lực" - ông Wang lớn tiếng cảnh báo, đồng thời nói thêm Bắc Kinh có thể tiến hành một cuộc tập trận khác ở biển Đông vào tháng 8.
Bình luận (0)