Trong tuyên bố hôm 11-9, ông Pompeo nhấn mạnh cam kết lâu dài của Mỹ đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời nói thêm rằng cả hai bên chia sẻ các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, thượng tôn pháp luật, minh bạch, cởi mở và hòa nhập.
Ông Pompeo cho hay: "Chúng tôi cũng nhấn mạnh cam kết lên tiếng khi đối mặt với hành động gây hấn và đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc đối với quyền tự do lựa chọn của các quốc gia có chủ quyền trong khu vực".
Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định Mỹ duy trì cam kết hỗ trợ ASEAN. Ảnh: Reuters
Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Mỹ sẽ sát cánh cùng các đối tác ASEAN, kiên định với nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền ở biển Đông, nơi gần đây đã xảy ra nhiều hành động gây hấn và tàn phá môi trường.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng ủng hộ sự minh bạch và tôn trọng ở khu vực sông Mekong, ủng hộ tăng trưởng kinh tế mở dựa trên quy tắc, sát cánh cùng các đối tác ASEAN trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực.
Trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ-ASEAN trước đó, ông Pompeo cũng thúc giục các nước thành viên ASEAN xem xét lại các thỏa thuận với các công ty Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định lời kêu gọi này khó có thể được các nước ASEAN - những nước có quan hệ kinh tế và an ninh sâu sắc với cả Trung Quốc và Mỹ - đón nhận và các nước khu vực thường cảnh giác với việc bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc kinh tế.
Trong một diễn biến khác, vài tháng trước khi thông báo từ chức, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo khởi động một sự thay đổi chính sách để có thể lần đầu tiên cho phép quân đội nước này tấn công các mục tiêu trên đất liền ở Trung Quốc hoặc những nơi khác ở châu Á.
Thay đổi chính sách sẽ cho phép Nhật Bản tạo ra một học thuyết về tấn công vị trí của kẻ thù trên đất liền, nhiệm vụ đòi hỏi nước này phải mua sắm những hệ thống vũ khí tầm xa như tên lửa hành trình.
Thủ tướng Nhật Bản chỉ đạo Hội đồng An ninh Quốc gia xem xét các cách để ngăn chặn mối đe dọa bao gồm tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái. Ảnh: JAPAN AIR SELFENSE FORCE
Nếu được chính phủ kế nhiệm thông qua, chính sách mới sẽ đánh dấu một trong những thay đổi đáng kể nhất về quan điểm quân sự của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến thứ 2. Điều này phản ánh nỗ lực lâu nay của thủ tướng Nhật Bản nhằm giúp quân đội trở nên mạnh hơn cũng như mối quan ngại ngày càng lớn của Tokyo về ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực.
Chính phủ Nhật Bản đang lo ngại về các hoạt động quân sự gia tăng mà Trung Quốc thực hiện quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Nghị sĩ Masahisa Sato thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, cũng là thứ trưởng quốc phòng kiêm thứ trưởng ngoại giao, cho biết: "Lý do chính cho hành động này là Trung Quốc. Chúng tôi chưa từng nhấn mạnh nhiều về điều đó nhưng những lựa chọn an ninh của chúng tôi là vì Trung Quốc".
Bình luận (0)