Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Đô đốc Mike Mullen, khẳng định Mỹ sẽ chấm dứt các nhiệm vụ chiến đấu từ ngày 2-4.
Ngoài ra, các máy bay chiến đấu trang bị hỏa lực mạnh như AC-130 và A-10 Thunderbolt cũng sẽ không xuất kích sau ngày 2-4 và chuyển sang chế độ trực chiến.
Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates khẳng định Mỹ sẽ chấm dứt các nhiệm vụ chiến đấu từ ngày 2-4
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barrack Obama tuyên bố không quân Mỹ đã vô hiệu hóa các hệ thống phòng không của ông Gaddafi, qua đó tạo điều kiện cho việc thiết lập một vùng cấm bay tại quốc gia Bắc Phi này và Washington sẽ giảm bớt vai trò để chuyển giao quyền chỉ huy chiến dịch cho NATO.
Người phát ngôn chính phủ Libya - Mussa Ibrahim - bác điều kiện ngừng bắn của phe nổi dậy ngày 1-4
Trong diễn biến liên quan, lực lượng của ông Gaddafi ngày 1-4 đã tiến đánh Misrata, thành phố lớn thứ ba của Libya và cách thủ đô Tripoli 200 km về phía Đông, bằng xe tăng và pháo kích...
Theo các nhân chứng, quân chính phủ đã tiến vào thành phố và Lữ đoàn Số 32, một trong những đơn vị được huấn luyện và trang bị tốt nhất, đang nắm quyền kiểm soát thành phố này.
Tại Benghazi, Ali al-Tarhoni, một thành viên cấp cao phụ trách lĩnh vực dầu mỏ và tài chính trong Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp, cho biết lực lượng nổi dậy cùng ngày đã ký một thỏa thuận đổi dầu lấy lương thực, thuốc men và nhiên liệu với Chính phủ Qatar.
Phe nổi dậy và lực lượng của ông Gaddafi vẫn giao tranh
Liên quan đến chiến dịch quân sự của phương Tây ở Libya, Quốc hội Thụy Điển ngày 1-4 đã thông qua dự luật cho phép quân đội nước này tham gia các hoạt động quân sự do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thực hiện.
Theo luật này, quân đội Thụy Điển sẽ cử 8 máy bay chiến đấu tham gia hoạt động của NATO. Tuy nhiên, số máy bay này chỉ tham gia bảo vệ vùng cấm bay và không oanh kích xuống lãnh thổ Libya.
Ngoài ra, Thụy Điển cũng sẽ gửi thêm máy bay trinh sát và 100 nhân viên tham gia hoạt động này trong 3 tháng.
Trong diễn biến khác, Liên minh Châu Âu (EU) ngày 1-4 đã nhất trí tiến hành một chiến dịch nhân đạo ở Libya có tên "EUFOR Libya" và chiến dịch này sẽ do Ý lãnh đạo.
"EUFOR Libya" sẽ đóng trụ sở tại Roma, Ý và hoạt động của nó sẽ do Phó đô đốc Claudio Gaudiosi người Ý chỉ huy.
Mục tiêu của "EUFOR Libya" là thiết lập "các hành lang nhân đạo", đảm bảo sự đi lại tự do của nhân viên cứu trợ và mở các cầu hàng không và hàng hải để sơ tán người tỵ nạn phù hợp với các nội dung trong Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ.
Ngân sách dành cho chiến dịch kéo dài bốn tháng này dự kiến khoảng 8 triệu euro, do các nước thành viên EU đóng góp căn cứ vào mức GDP tương ứng của mỗi nước.
Cùng ngày, nhóm đại biểu các nước Mỹ Latinh và Châu Á đã gửi thư tới Hội đồng Bảo an LHQ yêu cầu ngừng bắn ở Libya. Bức thư kêu gọi liên quân phương Tây ngừng ngay các vụ ném bom và bắt đầu đàm phán hòa bình.
Bức thư có chữ ký của Venezuela, Cuba, Ecuador, Bolivia, Nicaragoa, Campuchia, Indonesia.
Bắt đầu từ ngày 19-3, các máy bay của liên quân gồm Mỹ, Pháp, Anh, Ý, Bỉ, Tây Ban Nha, Đan Mạch và Canada liên tục tấn công lực lượng Chính phủ Libya với mục đích ngăn chặn không lực của ông Gaddafi ném bom các vị trí của phe nổi dậy. Tuy nhiên, theo thông báo của nhà chức trách Libya, các cuộc oanh kích của máy bay liên quân đã khiến nhiều dân thường thương vong.
Bình luận (0)