Theo báo The Washington Post, đây là mức tăng trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 85. Trong khi đó, các cơ sở y tế tại Mỹ cho biết tổng số ca nhiễm Covid-19 đã tăng lên gần 4.500 nhưng giới chuyên gia cho rằng số liệu thực tế cao hơn rất nhiều.
Nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, Tổng thống Donald Trump hôm 16-3 thông báo hàng loạt biện pháp nghiêm ngặt nhằm hạn chế người dân đến nơi công cộng trong khi 7 triệu cư dân ở vùng San Francisco bị cô lập gần như hoàn toàn. Thống đốc các bang có "bằng chứng về sự lây nhiễm trong cộng đồng" cũng đã được yêu cầu đóng cửa trường học và nhà hàng tại các khu vực bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ông Trump khẳng định "ở thời điểm hiện tại, lệnh phong tỏa toàn quốc là chưa cần thiết".
Cũng theo Tổng thống Trump, sau 15 ngày thực hiện, các biện pháp nêu trên sẽ được đánh giá lại và ông không loại trừ khả năng triển khai các động thái cứng rắn hơn. Ông chủ Nhà Trắng lần đầu tiên thừa nhận Covid-19 có thể đưa nền kinh tế Mỹ vào tình trạng suy thoái, đồng thời nhận định quốc gia của ông có thể phải đối phó với virus đến tháng 7 hoặc tháng 8.
Dù vậy, không phải ai cũng tuân thủ các biện pháp nêu trên. Ngay trong ngày chính quyền Tổng thống Trump đề nghị người dân không tụ tập quá 10 người và kêu gọi người lớn tuổi ở nhà, các bang Arizona, Florida và Illinois tuyên bố các cuộc bầu cử sơ bộ vẫn diễn ra trong ngày 17-3 như kế hoạch. Riêng cuộc bầu cử tại bang Ohio đã bị hoãn này chỉ vài giờ trước khi các điểm bỏ phiếu mở cửa.
Cảnh sát Thụy Sĩ kiểm soát hoạt động đi lại tại biên giới với Pháp hôm 17-3 Ảnh: REUTERS
Theo cuộc thăm dò dư luận được Công ty Gallup (Mỹ) công bố hôm 16-3, hiện có khoảng 60% người Mỹ "rất" hoặc "hơi lo lắng" về việc họ hoặc một thành viên trong gia đình sẽ bị nhiễm Covid-19, tăng so với mức 36% vào tháng 2. Cũng theo cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 2-3 đến ngày 13-3 này, 61% người Mỹ "rất" hoặc "hơi tự tin" về khả năng ứng phó Covid-19 của chính phủ - giảm 16 điểm % so với thời điểm tháng 2.
So với Mỹ, các biện pháp ứng phó dịch Covid-19 còn cứng rắn hơn sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo Liên minh châu Âu (EU) đóng cửa biên giới trong 30 ngày, kể từ 12 giờ ngày 17-3 (giờ địa phương). Theo đó, công dân ngoài EU sẽ không được đến EU và các nước khu vực Schengen để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Trước đó, theo đề xuất của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 16-3, các chuyến đi không quan trọng đến EU cần bị hoãn trong 30 ngày hoặc hơn nếu cần thiết. Những trường hợp ngoại lệ gồm cư dân dài hạn của EU, người nhà của công dân EU, nhân viên ngoại giao, bác sĩ và các nhà nghiên cứu làm việc để kiểm soát Covid-19.
Đến thời điểm hiện tại, EU vẫn chưa thể tìm ra giải pháp chung đối phó Covid-19 và một vài nước thành viên đã áp lệnh kiểm soát biên giới đơn phương. Đáng chú ý, Tổng thống Macron hôm 16-3 công bố lệnh giới hạn đi lại trên toàn quốc, kêu gọi người dân hạn chế đến nơi công cộng kể từ 12 giờ ngày 17-3 (giờ địa phương), ngoại trừ những trường hợp như mua nhu yếu phẩm, đi làm và chăm sóc sức khỏe. Theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner, khoảng 100.000 cảnh sát sẽ được triển khai để thực hiện lệnh phong tỏa này trong khi các trạm kiểm soát sẽ được thiết lập trên khắp cả nước.
Bình luận (0)