Theo thông báo từ Nhà Trắng, khoản tài trợ của Mỹ sẽ dành cho các chương trình y tế, khí hậu, kinh tế và giáo dục. Khoảng 40 triệu USD trong số đó sẽ dành cho sáng kiến giúp giải quyết đại dịch Covid-19 và tăng cường khả năng của ASEAN trong việc ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm trong tương lai.
Khoảng 20,5 triệu USD sẽ được dùng để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và 20 triệu USD dùng để hỗ trợ hợp tác về thương mại và đổi mới. 17,5 triệu USD trong kế hoạch được dành cho các dự án giáo dục và 4 triệu USD để thúc đẩy bình đẳng giới và công bằng.
Phát biểu tại sự kiện trực tuyến, Tổng thống Biden nhấn mạnh vai trò của ASEAN tại khu vực và mối quan hệ với khối này có ý nghĩa quan trọng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN ngày 26-10. Ảnh: Reuters
Đây là lần đầu tiên Mỹ tham dự cuộc họp cấp cao với các lãnh đạo ASEAN kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump dự cuộc họp ASEAN - Mỹ vào năm 2017 tại Manila, Philippines.
Tổng thống Biden dự kiến dự Hội nghị cấp cao Đông Á vào ngày 27-10. Theo hãng tin Reuters, các nhà phân tích cho rằng việc ông Biden tham dự hội nghị với 10 quốc gia ASEAN đã phản ánh nỗ lực của chính quyền Mỹ để thu hút các đồng minh và đối tác trong nỗ lực tập thể nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Trong bài phát biểu của mình, tổng thống Mỹ cũng đề cập đến tầm nhìn chung về một khu vực mà mọi quốc gia có thể cạnh tranh và thành công trên một sân chơi bình đẳng và mọi quốc gia dù có lớn mạnh đến đâu cũng phải tuân theo luật.
Ông Biden cho biết Washington quan tâm đến việc hợp tác với ASEAN để đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, về vấn đề khí hậu và giải quyết "những thách thức chung về các vấn đề hàng hải" - dường như ám chỉ các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở biển Đông.
Trong khi có kế hoạch hỗ trợ tài chính để thúc đẩy thương mại với ASEAN, ông Biden vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ trở lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Mỹ từng rút khỏi dưới thời ông Trump.
Bình luận (0)