Bộ Quốc phòng Mỹ thêm tổng cộng 4 công ty vào danh sách bị nghi ngờ do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát, bao gồm Công ty Công nghệ Xây dựng Trung Quốc, Công ty Tư vấn Kỹ thuật quốc tế Trung Quốc, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Trung Quốc (SMIC) và Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC). CNOOC là chủ sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 từng hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có tổng cộng 35 công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách này.
Tổng thống Trump tháng trước ký sắc lệnh cấm giới đầu tư Mỹ rót vốn vào những công ty có tên trong danh sách nêu trên kể từ tháng 11-2021.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, SMIC và CNOOC hiện chưa bình luận về động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump. Theo Reuters, vụ việc nhiều khả năng làm gia tăng căng thẳng Washington-Bắc Kinh trước khi ông Joe Biden nhậm chức.
CNOOC là chủ sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 từng hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam.
SMIC, vốn phụ thuộc lớn vào thiết bị nhập từ các nhà cung cấp Mỹ, trước đó đã bị Washington nhắm mục tiêu. Hồi tháng 9, Bộ Thương mại Mỹ thông báo với một số công ty rằng họ cần giấy phép trước khi cung cấp thiết bị và dịch vụ cho SMIC, sau khi cơ quan này kết luận có "rủi ro không thể chấp nhận" về việc thiết bị có thể được sử dụng cho các mục đích quân sự.
Danh sách trên được xem là một nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm đưa ông Biden (người được truyền thông Mỹ dự đoán đắc cử) vào những lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
Đây cũng được xem là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm chống lại điều họ mô tả là chiến lược hiện nay của Bắc Kinh: Tận dụng các tập đoàn để khai thác công nghệ dân sự mới nổi cho mục đích quân sự.
Tổng thống Donald Trump được cho là đang nỗ lực đưa ông Joe Biden vào những lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Một đạo luật ra đời vào năm 1999 yêu cầu Lầu Năm Góc soạn thảo danh sách "Những công ty quân đội Trung Quốc", tức do Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) "sở hữu hoặc kiểm soát".
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ bắt đầu thực hiện yêu cầu này vào năm 2020. Những công ty lớn của Trung Quốc, như Hikvision, China Telecom và China Mobile bị đưa vào danh sách đen hồi đầu năm.
Quốc hội và chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách chặn quyền tiếp cận thị trường Mỹ của các công ty Trung Quốc không tuân thủ quy tắc của Washington.
Mới đây, vào ngày 2-12, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chặn công ty Trung Quốc niêm yết nếu họ không tuân thủ nghiêm các quy tắc về kiểm toán của Mỹ. Nước đi này cung cấp cho Tổng thống Trump một công cụ mới để gia tăng sức ép lên Bắc Kinh trước khi ông rời Nhà Trắng.
"Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ"
Trong bài viết đăng trên báo Wall Street Journal (WSJ) ngày 3-12, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ John Ratcliffe nhấn mạnh: "Thông tin tình báo rõ ràng: Bắc Kinh có ý định thống trị Mỹ và phần còn lại của thế giới về mặt kinh tế, quân sự và công nghệ".
Theo ông Ratcliffe, Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ ngày nay. Ông cho rằng đầu tiên, các công ty Trung Quốc ăn cắp các công nghệ và sở hữu trí tuệ của Mỹ, tiếp đó nhân bản những công nghệ này với tốc độ chưa từng thấy và cuối cùng là hất cẳng doanh nghiệp Mỹ ra khỏi nhiều thị trường trên thế giới.
Chưa hết, nhân vật cấp cao nhất trong cộng đồng tình báo Mỹ còn khẳng định Trung Quốc đã "thử nghiệm trên người" trong quân đội nước này, với hy vọng tạo ra "siêu chiến binh".
Bình luận (0)