Theo Kyodo, 3 chiếc MV-22 Osprey còn lại sẽ được di chuyển đến Futenma từ căn cứ Iwakuni, tỉnh Yamaguchi vào giữa tháng 10-2012.
Osprey có thể cất cánh như trực thăng đồng thời bay được như loại máy bay cánh bằng. Không chỉ bay xa gấp 4 lần các trực thăng được triển khai tại chiến tranh Việt Nam, MV-22 Osprey có thể vận chuyển 15.000 lính thủy quân lục chiến Mỹ ở Okinawa đến các điểm nóng như Đài Loan hoặc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhanh chóng.
Máy bay Osprey của Mỹ. Ảnh: AP
Việc triển khai máy bay Osprey trên đảo Okinawa của Nhật nằm trong kế hoạch tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, nhằm cân bằng với sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc và Triều Tiên.
Chính phủ Nhật Bản ủng hộ sự triển khai trên với hy vọng sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ khiến Trung Quốc nhụt chí trong việc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Thế nhưng, rất nhiều người trong số 1,4 triệu cư dân trên đảo Okinawa, kể cả tỉnh trưởng Hirokazu Nakaima, quyết liệt phản đối, đồng thời cảnh báo sẽ không để yên cho lính Mỹ đóng trên đảo nếu như xảy ra bất cứ vụ rơi máy bay nào ở đây.
Ngày 2-10, các thị trưởng, viên chức các nghiệp đoàn và khoảng 300 người dân địa phương đã phong tỏa cổng căn cứ Futenma, không cho xe của quân đội Mỹ ra vào.
Người dân Okinawa lo ngại máy bay này có thể gây ra thảm họa như vụ một máy bay Mỹ đâm đầu xuống đất làm chết 17 người, trong đó có 11 trẻ em, vào năm 1959.
Ngoài ra, nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết việc triển khai các máy bay Osprey nhiều khả năng sẽ khiến Trung Quốc giận dữ. Trung Quốc vốn rất lo lắng về quan điểm của Mỹ trong vụ Senkaku. Gần đây, nhiều tàu tuần tra Trung Quốc thường xuyên xuất hiện trong khu vực gần quần đảo trên rồi lại rời đi.
Bình luận (0)