Theo bài báo trên ABC News, 2 quan chức trên tin rằng hệ thống thông báo dữ liệu đã ngừng hoạt động vào lúc 1 giờ 7 phút. Còn hệ thống chuyên gửi các tín hiệu về vị trí và độ cao không hoạt động từ lúc 1 giờ 21 phút. Điều này có nghĩa phía Mỹ cho rằng có thể đó là một hành động cố ý, chứ không phải là tai nạn hay sự cố thảm khốc xảy ra với chiếc máy bay.
Trước đó, các quan chức Mỹ cho biết có dấu hiệu cho thấy chiếc máy bay MH 370 rơi ở Ấn Độ Dương và họ đã điều tàu USS Kidd tới khu vực trên để bắt đầu tìm kiếm. Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc khẳng định: “Chúng tôi có dấu hiệu cho thấy chiếc máy bay đã rơi xuống Ấn Độ Dương”.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney không bình luận gì về thông tin mới, chỉ cho biết Mỹ “đang tham vấn với các đối tác quốc tế về những phương tiện thích hợp để triển khai”.
Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho rằng chiếc máy bay đã rơi xuống Ấn Độ Dương.
Ảnh: REUTERS
Còn theo hãng tin Reuters, các quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ nói rằng máy bay mất tích tiếp tục gửi tín hiệu lên một vệ tinh cứ mỗi tiếng đồng hồ một lần trong vòng 4 tiếng sau khi mất liên lạc với radar.
Các máy bay Boeing 777 được trang bị hệ thống “Quản lý Sức khỏe Máy bay”, nhờ đó các máy bay này “ping” cho một vệ tinh cứ một tiếng một lần và các chuyên gia điều tra Mỹ - bao gồm cơ quan tình báo, Cục Hàng không liên bang và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - đã nhận được khoảng từ 5-6 tín hiệu, nguồn tin của Reteurs tiết lộ.
Những tiếng "ping" này cho thấy hệ thống bảo trì và xử lý sự cố của máy bay đã được bật lên và sẵn sàng liên lạc với vệ tinh nhưng không có dữ liệu nào được truyền đi. Do đó, những xung điện tử yếu ớt này không cho biết máy bay ở trên không hay mặt đất cũng như nó hướng về đâu và số phận của nó.
Ông Oliver McGee, một cựu quan chức thuộc Bộ Giao thông Mỹ và hiện đang là giáo sư đại học chuyên ngành cơ khí, cho biết chỉ có tín hiệu không thôi thì không thể xác định được vị trí máy bay. Theo ông, máy bay vẫn có thể gửi tín hiệu ngay cả khi đã bị rơi, tùy thuộc vào độ hư hại.
Nguồn tin của Reuters nói thêm rằng tín hiệu mà các vệ tinh liên lạc nhận được được phát đi từ hệ thống ACARS, hệ thống cảnh báo tự động, được trang bị trên chiếc máy bay Boeing 777-200 của Malaysia Airlines.
Theo thông tin ban đầu, có dấu hiệu máy bay đã bay thêm 4 hoặc 5 giờ sau khi biến mất khỏi màn hình radar rồi lao xuống nước. Tuy nhiên, sau đó các quan chức lại nói rằng ít khả năng máy bay bay thêm 4-5 giờ nữa song họ không nói cụ thể máy bay đã ở trên không trong bao lâu.
Tập đoàn Boeing và Rolls-Royce, hãng sản xuất động cơ cho máy bay mang số hiệu MH370, đã từ chối bình luận về thông tin nói trên, Reuters cho hay.
Ngoài ra, từ ngày 15-3, một máy bay trinh sát P-8A Poseidon cũng được điều động sang eo biển Malacca, tờ The Malaysia Insider (Malaysia) dẫn thông báo của Hải quân Mỹ. P-8A Poseidon, được phát triển từ dòng máy bay Boeing 737-800, có tốc độ bay tối đa 907 km/giờ với bán kính hoạt động 2.222 km cùng hệ thống radar hiện đại. Trước đó, Washington cũng đã gửi một chiếc P-3C Orion sang Malaysia.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein tuyên bố rằng “trọng tâm chính của cuộc tìm kiếm luôn là ở biển Đông” nằm về phía Đông của Malaysia và dọc theo tuyến bay từ Kuala Lumpur tời Bắc Kinh. Đầu tuần này, chiến dịch tìm kiếm đã được mở rộng sang vùng biển nằm về phía Tây của Malaysia.
2 tàu khu trục USS Kidd và USS Pinckney của Mỹ đang tham gia tìm kiếm. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)