Nhà Trắng nhận định kiểu chia sẻ thông tin như trên sẽ góp phần củng cố an ninh hạt nhân toàn cầu. “Giá trị của sự minh bạch đã được Mỹ nêu bật tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân” - tuyên bố cho biết. AP nhận định bất chấp nỗ lực cắt giảm của Mỹ và một số nước, thế giới vẫn còn hàng ngàn tấn vật liệu có thể được sử dụng trong bom hạt nhân. Đáng lo hơn, các quan chức an ninh cảnh báo về sự thiếu an toàn của loại vật liệu phóng xạ dùng để chế tạo “bom bẩn” tại nhiều khu vực trên toàn cầu.
Đây là một trong những vấn đề phủ bóng lên Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần cuối cùng trước khi ông Obama rời Nhà Trắng vào đầu năm tới. Ngoài ra, sự vắng mặt của một số nước quan trọng, nhất là Nga, tại hội nghị cho thấy cộng đồng quốc tế vẫn chưa có sự thống nhất hoàn toàn nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một vụ tấn công hạt nhân do các nhóm khủng bố gây ra. Hội nghị lần này dành hẳn một phiên thảo luận đặc biệt trong ngày 1-4 để bàn về một kịch bản giả định, theo đó một chuỗi sự kiện xảy ra có thể dẫn đến khủng bố hạt nhân. Nỗi lo này càng gia tăng sau khi nhà chức trách Bỉ gần đây phát hiện các phần tử tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng theo dõi một nhà khoa học hạt nhân cấp cao của nước này.
Trước đó, ngày đầu tiên của hội nghị dành sự tập trung cho những hành động bị xem là khiêu khích của Triều Tiên thời gian qua. Tại cuộc gặp bên lề với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, ông Obama đã nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận trong việc tăng sức ép buộc Bình Nhưỡng không tiếp tục thử hạt nhân và phóng tên lửa cũng như thực thi nghiêm túc các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Dù vậy, trong động thái cho thấy sự thách thức, Triều Tiên ngày 1-4 đã bắn tên lửa ra vùng biển phía Đông nước này vài giờ sau cuộc gặp cấp cao Mỹ - Hàn - Nhật nói trên.
Bình luận (0)