xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mỹ - Cuba nối lại quan hệ

Thu Hằng

Việc khôi phục quan hệ ngoại giao có thể giúp quan hệ Mỹ và Cuba thực sự trở lại bình thường song con đường phía trước vẫn chồng chất khó khăn

Ngày 17-12 đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong quan hệ đầy trắc trở giữa Mỹ và Cuba hơn nửa thế kỷ qua khi Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng tuyên bố quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao, mở đường cho tiến trình bình thường hóa quan hệ.

“Hành động dũng cảm”

“Chúng ta sẽ chấm dứt cách tiếp cận lỗi thời vốn đã cho thấy sự thất bại trong việc thúc đẩy lợi ích. Thay vào đó, chúng ta sẽ bắt đầu bình thường hóa quan hệ giữa hai nước” - tổng thống Mỹ nhấn mạnh trên truyền hình từ Nhà Trắng.

Cùng lúc, Chủ tịch Cuba Raul Castro khẳng định Havana đã sẵn sàng thảo luận với Washington những khác biệt còn lại về chủ quyền quốc gia, dân chủ và chính sách nội bộ, đồng thời kêu gọi Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại. Theo thỏa thuận mới, Mỹ sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với Cuba trong các lĩnh vực đi lại, kiều hối, hoạt động ngân hàng… Mỹ cũng xem xét mở sứ quán tại Havana trong vài tháng tới và ông Obama cam kết sẽ thúc giục Quốc hội Mỹ dỡ bỏ cấm vận thương mại đối với Cuba.

 

Người Cuba tại Havana giơ cao bức ảnh Nhóm 5 công dân Cuba (Cuban Five) để chúc mừng các thành viên của nhóm này được Mỹ trả tự do Ảnh: REUTERS
Người Cuba tại Havana giơ cao bức ảnh Nhóm 5 công dân Cuba (Cuban Five) để chúc mừng các thành viên của nhóm này được Mỹ trả tự do Ảnh: REUTERS

 

Giáo hoàng Francis nằm trong số những người đầu tiên lên tiếng chúc mừng. Giới chức Mỹ tiết lộ để có cuộc điện đàm dài 45 phút giữa ông Obama và ông Castro hôm 16-12 trước khi công bố quyết định tiến tới bình thường hóa quan hệ, công thuyết phục của giáo hoàng là không nhỏ. Trước đó, tổng cộng 9 cuộc đàm phán bí mật kéo dài trong 18 tháng đã diễn ra ở tòa thánh Vatican và Canada.

Liên Hiệp Quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia cũng đồng loạt hoan nghênh. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon “hy vọng những biện pháp mới này, tuyên bố mới này sẽ giúp mở rộng giao lưu giữa nhân dân 2 nước”. Coi đây là thắng lợi của Cuba, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro khen ngợi hành động của ông Obama là dũng cảm và cần thiết. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao của EU, bà Federica Mogherini, nhấn mạnh tổ chức này cũng mong mở rộng quan hệ với Cuba.

Đảng Cộng hòa làm khó

Theo giới phân tích, con đường tiến tới bình thường hóa quan hệ hoàn toàn giữa Mỹ và Cuba vẫn chồng chất khó khăn. Trở ngại lớn nhất nằm trong lệnh cấm vận vốn được Quốc hội Mỹ thông qua thành luật thuộc đạo luật Helms-Burton năm 1996 nhằm thắt chặt các biện pháp cấm vận đơn phương chống Havana. Như vậy, chỉ có Quốc hội Mỹ mới có quyền dỡ bỏ luật này, trong khi sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa ở cả thượng viện (từ đầu năm 2015) lẫn hạ viện sẽ không hề dễ dàng cho ông Obama.

 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) chào mừng công dân Mỹ Alan Gross hồi hương sau 5 năm bị giam ở Cuba Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) chào mừng công dân Mỹ Alan Gross hồi hương sau 5 năm bị giam ở Cuba Ảnh: REUTERS

 

Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa đồng loạt chỉ trích quyết định của ông chủ Nhà Trắng. Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner gọi thỏa thuận là “một việc nữa trong chuỗi hành động thiếu suy nghĩ của ông Obama”. Thượng nghị sĩ gốc Cuba Marco Rubio cho rằng “Nhà Trắng nhận phần thiệt thòi mà chẳng gặt hái được gì”. Cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush, người vừa úp mở sẽ ra tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, đánh giá thỏa thuận này “có hại cho tiến trình dân chủ ở Cuba”.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ đối ngoại thượng viện Robert Menendez không hài lòng với thỏa thuận trao đổi tù nhân mà ông chê là “khập khiễng”. Giới chức Nhà Trắng cho biết quyết định lịch sử được đưa ra sau khi Cuba trả tự do cho công dân Mỹ Alan Gross - bị giam giữ tại nước này 5 năm qua - và một điệp viên người Cuba làm việc cho chính phủ Mỹ bị bắt cách đây 20 năm. Đổi lại, Mỹ cũng phóng thích 3 điệp viên Cuba bị giam ở nước này.

 

Cuba thiệt hại 116,8 tỉ USD

Cuba cho biết lệnh cấm vận của Mỹ khiến nước này thiệt hại 3,9 tỉ USD tính từ tháng 5-2013 đến tháng 6-2014, nâng mức tổng thiệt hại kinh tế sau nửa thế kỷ cấm vận lên 116,8 tỉ USD (theo giá hiện hành). Nếu tính theo theo tỉ lệ trượt giá của đồng USD với giá vàng quốc tế thì con số này lên đến 1.100 tỉ USD, theo Reuters. Các báo cáo ước tính chỉ riêng xuất khẩu xì gà và rượu rum lẽ ra có thể đem về cho Cuba nguồn ngoại tệ gần 206 triệu USD trong giai đoạn trên. Ngược lại, theo Phòng Thương mại Mỹ, lệnh cấm vận kéo dài gần 11 đời tổng thống Mỹ làm nước này mất 1,2 tỉ USD/năm.

Mỹ áp đặt trừng phạt đầu tiên với Cuba vào năm 1960 và sau đó là lệnh cấm vận đầy đủ vào năm 1961. Trước viễn cảnh quan hệ giữa 2 nước có thể thật sự tan băng, Reuters đưa tin nhiều sinh viên Cuba ở Havana đã xuống đường chào mừng. Ông Hudo Cancio, một người Cuba đến Miami - Mỹ năm 1980, bày tỏ: “Đây sẽ là một sự khởi đầu mới, một giấc mơ có thật với hơn 11,2 triệu dân Cuba cũng như làm thay đổi suy nghĩ của chính cộng đồng người Cuba tại Mỹ”.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người hoài nghi. Ngay chính một phần không nhỏ người Cuba sống ở Mỹ cũng cho rằng “bình thường hóa quan hệ chỉ có lợi cho Cuba”. Một số cư dân tại Little Havana, TP Miami, bang Florida đã biểu tình để phản đối bước đi này.

Trong khi đó, theo một cuộc thăm dò của báo The New York Times  hồi tháng 10, 56% người Mỹ cho rằng nên thiết lập lại quan hệ ngoại giao và thương mại với Cuba, chỉ 29% người phản đối. Cuộc thăm dò khác của Reuters/Ipsos cho thấy hơn 40% người Mỹ ủng hộ nước này tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba, chưa đầy 20% người phản đối trong khi 39% không có câu trả lời chắc chắn.Huệ Bình

 

Việt Nam hoan nghênh

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 18-12, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước sau 53 năm gián đoạn. Việt Nam tin tưởng các tuyên bố mang tính lịch sử này là bước khởi đầu cho việc tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương, đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân Cuba và Mỹ, góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định và tăng cường hợp tác tại châu Mỹ và trên thế giới”. D.Ngọc

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo