Phát biểu tại một diễn đàn về nhân quyền ở Seoul – Hàn Quốc ngày 13-6, ông King cho rằng công bố chính thức của Triều Tiên về việc phóng tên lửa tầm xa thất bại hồi tháng 4 là một bằng chứng rõ nét cho sự suy yếu này, vì trước đây không hề có thông báo về những thất bại tương tự.
Thậm chí, trong hai lần “phóng vệ tinh” năm 1998 và 2009, Bình Nhưỡng còn khẳng định đã phóng thành công bất chấp việc không hề có vệ tinh nào lên được quỹ đạo. Ông King nhận định: “Tôi nghĩ sự khác biệt này phản ánh thông tin bên ngoài đang len lỏi vào Triều Tiên, buộc chính quyền phải nói thật với người dân”.
Ông Robert King cho rằng hàng rào thông tin của Triều Tiên đang suy yếu. Ảnh: AP
Người dân Triều Tiên không được truy cập Internet và chỉ được dùng di động rất hạn chế. Tivi và đài phát thanh đều bị chỉnh chỉ bắt được các kênh quốc gia. Những ai cố tìm cách tiếp cận các nguồn tin nước ngoài đều bị trừng phạt nặng nề.
“Phá vỡ hàng rào thông tin là chìa khóa cho những thay đổi tích cực tại Triều Tiên, vì Bình Nhưỡng rất thành công trong việc kiểm soát các luồng thông tin “ra, vào và bên trong đất nước. Trong thời đại toàn cầu hóa, Triều Tiên vẫn bị cô lập thông tin tuyệt đối”.
Thông tin về tình hình thế giới đã thâm nhập Triều Tiên qua các đĩa CD và DVD, cũng như những chiếc điện thoại Trung Quốc được nhập lậu vào nước này. Tín hiệu của các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động Trung Quốc có thể bắt được tại các vùng biên giới Trung – Triều.
Ông King nhận định việc truyền phát các kênh đài nước ngoài, bao gồm cả những nơi được Mỹ tài trợ, cũng góp phần đột phá vòng phong tỏa thông tin ở Triều Tiên. Ngoài ra còn có một số nhóm đang hoạt động tại Hàn Quốc thực hiện việc phát thanh hướng vào Triều Tiên.
Trong một diễn biến khác, đặc phái viên Mỹ về giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên Glyn Davis cho biết Washington nhận định hiện không phải lúc để nối lại các cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Theo ông Davis, hình thức đàm phán cũ không còn tác dụng, do đó cần thiết lập một kế hoạch và "cấu trúc ngoại giao" mới với Bình Nhưỡng, trong đó cần “vai trò tích cực hơn của Nga”.
Mỹ - Hàn tăng phòng thủ chống Triều Tiên
Ngày 14-6, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Quốc phòng giữa Mỹ và Hàn Quốc (2+2) đã diễn ra tại Washington – Mỹ với sự tham dự của Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan, Bộ trưởng Quốc phòng Kim Kwan-jin, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta.
Tuyên bố chung sau đó khẳng định Washington và Seoul nhất trí tìm biện pháp tăng cường phòng thủ toàn diện trước mối đe dọa về tên lửa ngày một gia tăng từ Triều Tiên. Hai bên cũng thúc giục Bình Nhưỡng ngừng khiêu khích và xen những hành động "thách thức và gây hấn" của Bình Nhưỡng là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với khối đồng minh, khu vực Đông Bắc Á, cũng như hòa bình, an ninh quốc tế".
Hội nghị còn bàn việc mở rộng tầm bắn tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc từ 300 km hiện nay lên 550 km, có thể tấn công mọi khu vực ở Triều Tiên. Tuy nhiên, Washington còn e dè do Trung Quốc và Nga chắc chắn sẽ không hài lòng với năng lực tên lửa lớn hơn ở Hàn Quốc. |
Bình luận (0)