Trong suốt cuộc họp kéo dài khoảng 1 giờ, hai nhà lãnh đạo đã bàn bạc về khủng hoảng Ukraine, những cuộc họp gần đây với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, theo đài CNN.
Bằng việc mời Thủ tướng Scholz trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Biden hy vọng có thể giúp củng cố vị thế của nhà lãnh đạo đã trải qua một năm đầu tiên đầy thách thức.
Cách đây không lâu, thật khó để tưởng tượng rằng Đức sẽ cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí như pháo, bệ phóng tên lửa Stinger và xe tăng Leopard để giúp quốc gia này đối phó chiến dịch quân sự của Nga. Nhưng giờ đây, Berlin đang đầu tư trở lại vào quân sự và bàn giao cho Kiev các hệ thống vũ khí ngày càng hiện đại.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz Ảnh: REUTERS
Về phần mình, Thủ tướng Scholz sử dụng cuộc họp nêu trên để bàn bạc với Tổng thống Biden về các cuộc thảo luận đang diễn ra giữa giới lãnh đạo châu Âu nhằm bảo đảm an ninh cho Ukraine. Mỹ và châu Âu ngày càng lo sợ kịch bản khủng hoảng Nga - Ukraine rơi vào thế bế tắc, tức mỗi bên chỉ đạt được những lợi ích nhỏ nhưng vẫn từ chối ngồi vào bàn đàm phán.
Cũng trong ngày 3-3, chính quyền Tổng thống Biden công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 400 triệu USD cho Ukraine, chủ yếu bao gồm tên lửa cho hệ thống Tổ hợp pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) và đạn cho các phương tiện bọc thép.
Đợt viện trợ này được triển khai thông qua Quyền rút vốn của tổng thống (PDA) - trong đó cho phép ông chủ Nhà Trắng lấy vũ khí từ kho dự trữ trong trường hợp khẩn cấp mà không cần sự chấp thuận của quốc hội.
Bình luận (0)