Theo quyết định trên, thời hạn mới sẽ là ngày 4-12 thay vì ngày 27-11. Chính quyền ông Trump trước đó đã cho ByteDance gia hạn thêm 15 ngày đối với một sắc lệnh được ban hành vào tháng 8-2020. Tổng thống Trump hôm 14-8 đã ra sắc lệnh yêu cầu ByteDance thoái vốn ứng dụng TikTok tại Mỹ trong vòng 90 ngày.
Dưới áp lực của chính phủ Mỹ, ByteDance đã đàm phán trong nhiều tháng để hoàn tất thỏa thuận với Walmart và Oracle nhằm chuyển tài sản của TikTok tại Mỹ thành một thực thể mới.
Tổng thống Trump ra sắc lệnh yêu cầu ByteDance thoái vốn ứng dụng TikTok tại Mỹ. Ảnh: Reuters
Một người thạo tin cho hay ByteDance đã đưa ra một đề xuất mới nhằm giải quyết các mối quan tâm của chính phủ Mỹ.
Theo hãng tin Reuters, một đại diện của Bộ Tài chính Mỹ cho biết việc gia hạn nói trên được đưa ra nhằm xem xét lại "bản trình sửa đổi" mà cơ quan này mới nhận được gần đây.
Trong khi đó, các hạn chế khác đối với TikTok từ Bộ Thương mại Mỹ đã bị một số tòa án liên bang ra lệnh tạm dừng, bao gồm lệnh hạn chế giao dịch (mở đường cho việc cấm sử dụng ứng dụng TikTok ở Mỹ). Lệnh cấm tải xuống TikTok cho người dùng mới của Bộ Thương mại đối với Apple và Google, theo kế hoạch có hiệu lực vào ngày 27-9 vừa rồi, cũng đã bị tạm dừng.
Trong diễn biến khác hôm 24-11, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) tuyên bố đã bác đơn kiến nghị từ Tập đoàn ZTE (Trung Quốc) đề nghị FCC cân nhắc quyết định xem công ty công nghệ này là mối đe dọa an ninh quốc gia đối với mạng viễn thông ở Mỹ.
Hồi tháng 6, FCC chính thức xác định Tập đoàn Huawei và ZTE của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia. Động thái đồng nghĩa cấm các công ty Mỹ khai thác ngân sách chính phủ 8,3 tỉ USD để mua thiết bị từ hai công ty này.
ZTE chưa đưa ra phản ứng về quyết định hôm 24-11 của FCC.
Hồi tuần trước, FCC thông báo đang mở rộng khung thời gian phản hồi kiến nghị của Huawei cho đến ngày 11-12 để xem xét đầy đủ số hồ sơ lớn.
Vào tháng 5 năm ngoái, Tổng thống Trump ký sắc lệnh cấm doanh nghiệp Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông từ các công ty bị xác định là mối đe dọa an ninh quốc gia và Huawei bị liệt vào danh sách đen.
FCC dự kiến vào ngày 10-12 tới sẽ bỏ phiếu về các quy tắc để giúp các nhà mạng ở Mỹ loại bỏ và thay thế thiết bị từ các công ty bị cho là mối đe dọa an ninh mạng Mỹ.
Bình luận (0)