Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hôm 24-3 cam kết tăng cường hợp tác trong chuyện xử lý quan hệ với Trung Quốc với thỏa thuận khởi động đối thoại chính thức về vấn đề này. Đây là một trong những kết quả đáng chú ý trong chuyến công du đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến thủ đô Brussels - Bỉ sau khi Tổng thống Joe Biden vào Nhà Trắng hồi tháng 1-2021.
Phát biểu sau cuộc gặp ông Blinken, đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết cả Mỹ và EU cùng đánh giá Trung Quốc vừa là đối tác vừa là đối thủ cạnh tranh. Trong khi đó, ông Blinken cho rằng đối thoại Mỹ - EU là cần thiết để đương đầu với "những thách thức" mà Bắc Kinh đặt ra cho "trật tự dựa trên luật lệ".
Theo tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp, hai ông Blinken và Borrell chia sẻ nhận định rằng mối quan hệ với Trung Quốc có cả yếu tố hợp tác, cạnh tranh và đối đầu mang tính hệ thống. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế đóng góp cho sự ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai bên cũng hướng đến sự hợp tác để thúc đẩy các tuyến đường và chuỗi cung ứng hàng hải an toàn, bền vững, tự do và cởi mở, cũng như mong muốn hợp tác với các đối tác có cùng lập trường…
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell tại thủ đô Brussels - Bỉ hôm 24-3 Ảnh: REUTERS
Vấn đề Trung Quốc cũng được đề cập tại cuộc gặp giữa ông Blinken và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg diễn ra trước đó cùng ngày. Theo tờ South China Morning Post, ông Stoltenberg cho biết NATO có kế hoạch xây dựng quan hệ đối tác với nhiều nước ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand nhằm làm đối trọng với Bắc Kinh.
Chuyến đi châu Âu của ông Blinken diễn ra không lâu sau khi chính quyền Tổng thống Biden tiến hành một loạt cuộc gặp với NATO, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ trong nỗ lực cải thiện các mối quan hệ đối tác, đồng minh ít nhiều bị sứt mẻ thời người tiền nhiệm Donald Trump.
Đáng chú ý, Mỹ và Trung Quốc cũng vừa có cuộc gặp cấp cao đầu tiên kể từ khi ông Biden lên nắm quyền. Những gì diễn ra tại cuộc đối thoại này cho thấy hai bên vẫn còn khác biệt trong nhiều vấn đề gai góc và chỉ mới cam kết tìm kiếm hợp tác đối phó biến đổi khí hậu. Chưa hết, quan hệ Trung Quốc - EU cũng đang căng thẳng khi Bắc Kinh đáp trả các biện pháp trừng phạt của EU vì cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu tự trị Tân Cương.
Ông Andrew Mertha, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế Johns Hopkins (Mỹ), nhận định việc chính quyền ông Biden nhanh chóng tiếp xúc với EU, NATO và các đối tác, đồng minh khác là nhằm phản ứng sự trỗi dậy, cũng như các hành vi gần đây của Trung Quốc. Trong khi đó, bà Janka Oertel, chuyên gia của Hội đồng Đối ngoại châu Âu, chỉ ra rằng sự kiện Bắc Kinh ra tay trừng phạt một số quan chức, nhà nghiên cứu và tổ chức EU đã thúc đẩy thảo luận về một phản ứng xuyên Đại Tây Dương nhằm vào Trung Quốc.
Dù vậy, quan hệ Mỹ - EU đang đối mặt thử thách từ dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt dưới biển (mang tên "Dòng chảy phương Bắc 2") từ Nga sang Đức. Tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas hôm 23-3, ông Blinken cảnh báo rằng các công ty liên quan đến dự án sẽ đối mặt nguy cơ bị trừng phạt. Cảnh báo này được đưa ra giữa lúc quan hệ Nga và phương Tây leo thang căng thẳng vì một loạt vấn đề, trong đó nổi bật là cáo buộc Moscow tiến hành các vụ tấn công mạng, đồng thời can thiệp bầu cử ở Mỹ và châu Âu...
Vắc-xin Covid-19 phủ bóng thượng đỉnh Mỹ - EU
Hội nghị trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) diễn ra hôm 25-3 trong bối cảnh hai bên nỗ lực hàn gắn quan hệ chịu nhiều sức ép thời ông Donald Trump. Ngoài chuyện củng cố quan hệ Mỹ - EU, các nhà lãnh đạo còn bàn vấn đề hợp tác chống đại dịch Covid-19, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư, cũng như các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Nga.
Bầu không khí hội nghị thượng đỉnh nói trên phần nào bị phủ bóng bởi tình hình dịch Covid-19 đang xấu đi ở châu Âu và động thái hạn chế xuất khẩu vắc-xin của EU nhằm nỗ lực cải thiện an ninh nguồn cung cho công dân châu Âu. Đây là những vấn đề thu hút nhiều chú ý tại hội nghị trực tuyến của các nhà lãnh đạo EU trong 2 ngày 25 và 26-3. Một số nước như Hà Lan, Thụy Điển, Bỉ... lo ngại rằng động thái hạn chế xuất khẩu vắc-xin Covid-19 có thể gây ra cuộc chiến thương mại, đe dọa tiêu cực đến các chuỗi cung ứng vắc-xin. Dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng đã đến lúc EU phải nghĩ đến công dân mình.
Trong nỗ lực xoa dịu tranh cãi, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng việc xuất khẩu vắc-xin có thể được xem xét nếu quốc gia đề nghị có tỉ lệ dân số được tiêm chủng cao, tình hình dịch Covid-19 không nghiêm trọng... Trước đó, EC và Anh tuyên bố sẽ làm việc cùng nhau để bảo đảm công dân của cả hai bên đều được tiêm vắc-xin Covid-19.
Xuân Mai
Bình luận (0)