Ông Brett McGurk, đặc sứ Mỹ trong liên minh quốc tế chống IS, cho biết Ả Rập Saudi đã đóng góp 100 triệu USD, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cam kết đóng 50 triệu USD và phần còn lại thuộc về Úc, Đan Mạch, Liên minh châu Âu (EU), Đài Loan, Kuwait, Đức và Pháp.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ chuyển khoản tiền 230 triệu USD dự định tài trợ cho Syria sang những chính sách ngoại giao ưu tiên khác nhưng nhấn mạnh rằng động thái này không phải là một tín hiệu cho thấy Washington rút khỏi cuộc chiến ở Syria.
Trước đó, vào tháng 3, Tổng thống Donald Trump đã đóng băng khoản tiền nói trên và dọa rút quân đội Mỹ khỏi Syria và đánh giá lại vai trò của Washington trong cuộc chiến ở quốc gia này.
Hiện vẫn chưa rõ liệu số tiền 300 triệu USD từ các đồng minh có thuyết phục ông Trump duy trì lực lượng ở lại Syria hay không.
Syria bị phá hủy nặng nề sau 7 năm hứng chịu bom đạn. Ảnh: Reuters
Bộ Ngoại giao Mỹ đã bổ nhiệm cựu đại sứ Mỹ ở Iraq, ông Jim Jeffrey, làm cố vấn của Ngoại trưởng Mike Pompeo về vấn đề Syria. Theo đó, nhiệm vụ của ông Jeffrey sẽ bao gồm giám sát vai trò của Mỹ trong các cuộc đàm phán về quá trình chuyển đổi chính trị ở Syria.
Mặc dù Washington từ lâu khẳng định Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi, chính quyền Tổng thống Trump dường như chấp nhận để ông Assad tiếp tục nắm quyền đến khi nhiệm kỳ của ông ta kết thúc vào năm 2021.
Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Satterfield tuyên bố Mỹ và những quốc gia khác chỉ tham gia vào dự án tái thiết toàn diện cho Syria một khi tiến trình chính trị "đáng tin và không thể đảo ngược" diễn ra để kết thúc cuộc chiến ở quốc gia này.
"Cộng đồng quốc tế chỉ đồng ý hỗ trợ Syria tái thiết khi Liên Hiệp Quốc (LHQ)…xác nhận một tiến trình chính trị đáng tin và không thể đảo ngược đã được tiến hành" – ông Satterfield cho biết, đồng thời nói rằng cả chính phủ Nga và Syria đều muốn cộng đồng quốc tế hỗ trợ tái thiết Syria.
Bình luận (0)