Giới chức Mỹ hôm 16-5 gia tăng chỉ trích nhằm vào Trung Quốc vì hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam.
Phải chấm dứt!
Phát biểu tại buổi tiếp Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy tại Nhà Trắng, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” đối với những hành động đơn phương của Bắc Kinh ở biển Đông, đồng thời lo ngại ổn định và hòa bình tại khu vực đang bị hủy hoại.
Tại cuộc gặp, ông Biden cùng nhiều quan chức hàng đầu khác của Mỹ bày tỏ quan điểm hành động của Trung Quốc trong các tranh chấp ở biển Đông là “nguy hiểm và khiêu khích”, đồng thời “phải chấm dứt”. Đề cập hành động đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và tàu vào vùng biển Việt Nam của Trung Quốc, ông Biden khẳng định không quốc gia nào được phép hành động “khiêu khích” để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền tại những nơi tranh chấp.
Trong cuộc gặp ông Phòng sau đó tại Lầu Năm Góc, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - tướng Martin Dempsey - gọi các hành động của Trung Quốc tại biển Đông là khiêu khích, đồng thời kêu gọi giải quyết căng thẳng bằng đối thoại dựa trên luật pháp quốc tế. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục chỉ trích Trung Quốc, đồng thời lo ngại về “cách hành xử nguy hiểm và hăm dọa” của Bắc Kinh.
Tướng Martin Dempsey (trái) chỉ trích Trung Quốc khiêu khích ở biển Đông
tại cuộc gặp tướng Phòng Phong HuyẢnh: Reuters
Đáp lại những chỉ trích trên, ông Phòng ngang nhiên cho rằng giàn khoan đang ở trong lãnh thổ Trung Quốc, thậm chí đổ lỗi chính chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ đã “khuyến khích” các nước như Việt Nam, Philippines và Nhật Bản “gây sự” với Bắc Kinh.
Dù vậy, một quan chức Mỹ giấu tên bác bỏ luận điệu này của tướng Phòng trên Reuters. Ông cho rằng Trung Quốc đã “hiểu nhầm cơ bản” chiến lược của Mỹ và cảnh báo sự hung hăng của Bắc Kinh chỉ càng khích lệ các nước châu Á tìm đến sự hỗ trợ từ phía Mỹ cả về ngoại giao, kinh tế lẫn quân sự. Quan chức này nhận định các bước đi của Trung Quốc dường như phù hợp với “đường lối đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền thông qua áp bức và đe dọa”.
Thách thức vai trò của Mỹ
Cũng theo quan chức trên, các hành động khiêu khích của Trung Quốc khiến quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng. Ông nói với Reuters: “Chúng tôi không khỏi thắc mắc về những ý định chiến lược dài hạn của Trung Quốc. Các hành động của họ đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng hợp tác giữa 2 nước ở châu Á và thậm chí là hợp tác song phương”.
Ngoài ra, ông đánh giá Trung Quốc “đã học sai bài học quanh căng thẳng giữa Nga và Ukraine hiện nay” khi cho rằng có thể củng cố lợi ích bằng cách đơn phương đòi hỏi.
Chứng kiến sự hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông, giới phân tích cho rằng lập trường “không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và kêu gọi giải quyết bằng con đường hòa bình” của Mỹ lúc này là chưa đủ.
Trong bài viết đăng trên báo The Washington Post hôm 16-5, hai chuyên gia Elizabeth Economy và Michael Levi - làm việc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ - thúc giục Washington sẵn sàng đáp trả Bắc Kinh.
“Đã đến lúc Mỹ cần đối mặt toàn diện với thách thức mà Trung Quốc đặt ra trên biển Đông. Điều này đồng nghĩa với việc không chỉ phát biểu cứng rắn mà còn cần thực hiện những hành động quyết đoán” - bài viết nhấn mạnh.
Theo 2 chuyên gia, trước mắt, Mỹ và ASEAN nên đoàn kết trong việc không công nhận các tuyên bố chủ quyền đơn phương đối với các vùng lãnh thổ có tranh chấp. Quan trọng hơn, Mỹ cần sẵn sàng biến những “lời hùng biện” thành hành động nếu không muốn niềm tin đối với cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương của mình bị suy giảm.
Dù Mỹ không có hiệp ước bắt buộc phải bảo vệ Việt Nam nhưng để thành công với chiến lược tái cân bằng ở châu Á, Mỹ cần duy trì cho được vai trò hàng đầu trong việc bảo đảm sự ổn định ở Thái Bình Dương. Những hành động của Trung Quốc đang thách thức vai trò này.
Việt Nam liên tục khẳng định cam kết giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Nếu Trung Quốc không đáp lại mong muốn này, Mỹ cần hỗ trợ Việt Nam thông qua việc tăng cường hiện diện hải quân. Biện pháp này sẽ giúp Washington đánh giá đúng về khả năng của Trung Quốc và giảm căng thẳng ở biển Đông.
Những lựa chọn khác, như hạn chế hoạt động của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) tại Mỹ, cũng nên được xem xét. Lập luận này từng được tờ Forbes (Mỹ) nhắc tới. Theo tờ báo, Trung Quốc có được khoảng 200 dự án thăm dò dầu khí ở vịnh Mexico (Mỹ) sau vụ CNOOC mua lại tập đoàn dầu khí Canada Nexen năm 2012 với giá 19 tỉ USD.
Tuy nhiên, nếu CNOOC thực sự theo đuổi cái gọi là “lãnh thổ quốc gia di động” bằng giàn khoan thì Forbes cho rằng Cơ quan Quản lý năng lượng đại dương liên bang nên áp dụng một số biện pháp kiểm soát đặc biệt khi CNOOC và các đối tác xin giấy phép khoan thăm dò và khai thác ngoài khơi bờ biển Mỹ.
Philippines tuần hành cùng Việt Nam
Hôm 16-5, hàng trăm người dân Philippines và Việt Nam đã tuần hành phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam.
Dòng người đến trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Makati, yêu cầu Bắc Kinh rút giàn khoan về. Họ mang theo các biểu ngữ “Việt Nam và Philippines chung tay chống Trung Quốc”, “Trung Quốc hãy ra khỏi vùng biển Việt Nam”, “Chúng tôi ủng hộ Việt Nam”. Một số người còn hô vang “Hoàng Sa - Việt Nam”. Theo hãng tin AP, nhiều người đem theo những tấm bìa các-tông màu xanh hình mai rùa, ám chỉ vụ ngư dân Trung Quốc bị giới chức Philippines bắt giữ vì đánh bắt rùa biển trái phép.
Có mặt tại cuộc tuần hành, nghị sĩ Philippines Walden Bello lên án hành động khiêu khích của Trung Quốc. Theo ông, cuộc tuần hành này nhằm cảnh báo Trung Quốc chấm dứt cách hành xử hung hăng và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Xuân Mai
Bình luận (0)