Chính phủ Mỹ hôm 11-3 tuyên bố sẽ cung cấp gói viện trợ vũ khí phòng thủ phi sát thương trị giá 75 triệu USD cho Kiev, đồng thời áp đặt lệnh trừng phạt mới lên một ngân hàng Nga và hàng loạt nhân vật thuộc phe ly khai miền Đông Ukraine.
Gói viện trợ tăng cường nêu trên bao gồm máy bay không người lái Raven, 200 xe bọc thép Humvee, 30 xe bọc thép hạng nặng, các thiết bị nhìn đêm, radar chống súng cối… Tuy nhiên, các vũ khí chống tăng và đối không mà phía Kiev khẩn thiết yêu cầu vẫn chưa có tên trong danh sách.
Động thái mới nhất này cũng không giảm bớt được sức ép ngày càng gia tăng lên ông chủ Nhà Trắng từ quốc hội và nhiều quan chức cấp cao thuộc chính quyền của Tổng thống Barack Obama, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và Ngoại trưởng John Kerry, về việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.
“Cung cấp thiết bị phi sát thương cho Ukraine như các thiết bị nhìn đêm cũng tốt... Tuy nhiên, việc họ không có vũ khí để ngăn chặn đối phương thì không phải giải pháp hay” - thượng nghị sĩ Dân chủ Robert Menendez nhận xét trong cuộc họp tại Ủy ban Đối ngoại thượng viện trước đó. Theo tạp chí Politico, nhiều nhà lập pháp Mỹ đặc biệt quan ngại trước thông tin ông Obama quyết định gác lại ý tưởng cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine tại cuộc gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi tháng trước.
Song song với việc giúp Kiev, Washington còn áp đặt lệnh trừng phạt mới lên Ngân hàng Thương mại quốc gia Nga và 8 cá nhân thuộc phe ly khai miền Đông Ukraine với cảnh báo các cuộc tấn công của phe ly khai gần đây vi phạm lệnh ngừng bắn thứ hai ký giữa tháng 2 vừa qua. Đáp lại, Nga tuyên bố nước này thấy khó hiểu trước các biện pháp trừng phạt mới của Washington nhằm vào ngân hàng lớn nhất ở Crimea và một nhóm dân tộc chủ nghĩa của Nga, đồng thời gọi đây là “sự khiêu khích chính trị”.
Cũng trong ngày 11-3, nền kinh tế đang đình đốn của Ukraine tiếp tục nhận được “phao cứu sinh” sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông qua gói cho vay cứu trợ trị giá hơn 17,5 tỉ USD dành cho nước này trong 4 năm tới. Dự kiến, Ukraine sẽ nhận được 10 tỉ USD trong năm đầu tiên. Trong đó, 5 tỉ USD sẽ được chuyển ngay vào cuối tuần này và 5 tỉ USD còn lại đến tay Kiev trong vài tháng tới.
Gói tín dụng nêu trên cũng sẽ phần nào giúp Ukraine giảm nhẹ được gánh nặng 15,4 tỉ USD mà nước này đang thương lượng với các chủ nợ. Đổi lại, Ukraine sẽ phải thực thi một loạt biện pháp cải cách chính sách sâu rộng nhằm khôi phục tăng trưởng cũng như cải thiện mức sống cho người dân nước này.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 11-3 khẳng định năm 2015, khối quân sự này sẽ tăng cường các cuộc tập trận với cường độ và quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. NATO dự kiến sẽ tổ chức cuộc tập trận lớn nhất của khối trong nhiều năm qua tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha vào tháng 10 và 11-2015 với sự tham gia của 25.000 quân từ hầu hết các thành viên. NATO cũng đang đẩy nhanh quá trình thành lập lực lượng phản ứng nhanh (VJTF) gồm 5.000 quân triển khai ở những nước đồng minh phía Đông như Ba Lan và các nước Baltic.
Ông Putin “vắng mặt” khó hiểu
Tổng thống Vladimir Putin không xuất hiện trước công chúng gần 1 tuần qua. Lần gần nhất ông xuất hiện trước các nhà báo là hôm 6-3 trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng Ý Matteo Renzi ở Moscow. Từ đó tới nay, ông chỉ gặp riêng các quan chức mà không có mặt báo chí.
Sự “vắng mặt” khó hiểu ấy khiến nhiều tin đồn bắt đầu nổi lên, đặc biệt là sau khi xuất hiện thông tin ông Putin hủy chuyến thăm Kazakhstan trong tuần này. Một quan chức chính phủ Kazakhstan nói với hãng tin Reuters rằng ông Putin có vẻ “đang bị ốm”. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ thông tin này.
Trong khi đó, báo giới Nga hôm 11-3 đưa tin lễ kỷ niệm 1 năm ký hiệp định sáp nhập giữa Moscow và Nam Ossetia cũng bị hoãn lại. Đoàn đại biểu từ Nam Ossetia đến Moscow vừa biết được thông tin này. Điện Kremlin vẫn đăng tải hình ảnh và thông tin liên quan tới 2 cuộc gặp của ông Putin với 2 quan chức địa phương trong tuần. Theo lời ông Peskov, tổng thống Nga chỉ “có chút bồn chồn khi mùa Xuân tới”.
Bình luận (0)