500 công ty lớn nhất của Mỹ giữ hơn 2.100 tỉ USD lợi nhuận tích lũy qua nhiều năm ở nước ngoài để trốn thuế. Thông tin đáng chú ý này được công bố trong báo cáo từ nghiên cứu của 2 tổ chức phi lợi nhuận Công dân vì sự công bằng thuế (CTJ, trụ sở ở Mỹ) và Quỹ Giáo dục Tập đoàn Nghiên cứu lợi ích công của Mỹ (PIRG) hôm 6-10. Hãng tin Reuters dẫn nội dung báo cáo chỉ rõ nếu chuyển hết số tiền nói trên về Mỹ, các công ty sẽ bị đánh thuế khoảng 620 tỉ USD.
Kết quả nghiên cứu này dựa trên tài liệu mà các công ty gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ. Cụ thể, trong số 500 công ty có doanh thu cao nhất nước Mỹ nằm trong danh sách Fortune 500, có tới 3/4 mở chi nhánh ở các thiên đường thuế như Bermuda, Ireland, Luxembourg, Hà Lan… Theo đó, đại gia công nghệ Apple đứng đầu với 181,1 tỉ USD “né” ở nước ngoài. Nếu chuyển toàn bộ số tiền này về nước, Apple sẽ bị đánh thuế 59,2 tỉ USD. Trong khi đó, 119 tỉ USD lợi nhuận của Tập đoàn Công nghệ General Electric cũng đang “sống nhờ” ở 18 thiên đường thuế. Tương tự, 108,3 tỉ USD của hãng phần mềm Microsoft cũng đang trú ngụ tại 5 nước bên ngoài Mỹ, còn hãng dược phẩm Pfizer có 74 tỉ USD ở 151 chi nhánh tại các thiên đường thuế.
Nghiên cứu khẳng định: “Ít nhất 358 công ty trong danh sách Fortune 500 vận hành chi nhánh tại các thiên đường thuế vào thời điểm cuối năm 2014. Tổng cộng, 358 công ty này có ít nhất 7.622 chi nhánh tại các thiên đường thuế”. Đáng chú ý là trong tổng số 2.100 tỉ USD mà các công ty trong Fortune 500 để ở nước ngoài, chỉ riêng 30 công ty đã chiếm tới 1.400 tỉ USD, tương đương 65%. Ngoài ra, 57 công ty tiết lộ rằng họ sẽ phải trả thêm 184,4 tỉ USD tiền thuế nếu chuyển hết lợi nhuận ở nước ngoài về Mỹ. Điều đó có nghĩa là các công ty Mỹ giữ tiền ở nước ngoài chỉ phải nộp thuế ở mức 6% cho số lợi nhuận này so với mức 35% của thuế doanh nghiệp tại xứ sở cờ hoa.
Đáng chú ý, từ sau khi Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế công bố 28 trang tài liệu mật về thủ thuật chuyển giá của các doanh nghiệp Mỹ từ hồi cuối năm 2014, số tiền bị chuyển ra nước ngoài trốn thuế cho đến nay không hề giảm mà còn tăng thêm 100 tỉ USD, tức tăng 8% so với năm ngoái. Các nỗ lực sửa đổi lỗ hổng thuế này tại Mỹ để ngăn chặn tình trạng trên cho đến nay vẫn bế tắc. CTJ và PIRG cho rằng quốc hội Mỹ cần có hành động mạnh tay để “ngăn các công ty trốn thuế và khôi phục sự công bằng của hệ thống thuế, giảm thâm hụt và cải thiện chức năng của các thị trường”.
Trong khi đó, thỏa thuận về kế hoạch chống thất thu thuế và điều chuyển lợi nhuận mới đạt được giữa 62 quốc gia trên thế giới hôm 5-10 dự kiến sẽ được chính thức ký kết tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính G20 (nhóm 20 nền kinh tế lớn và mới nổi hàng đầu thế giới) diễn ra ở thủ đô Lima - Peru trong ngày 9-10. Kế hoạch này được cho là nhằm “trị” những tập đoàn hàng đầu thế giới “lắm chiêu” trốn thuế như Apple, Google, Amazon… Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, thỏa thuận này sẽ giúp các nước tham gia thu về khoản tiền thuế từ 100-240 tỉ USD/năm khi có hiệu lực.
Bình luận (0)