Umar Farouk Abdulmutallab, thủ phạm vụ đánh bom bất thành một máy bay Mỹ trong ngày Giáng sinh năm 2009, đã bất ngờ nhận tội tại một phiên tòa diễn ra ở thành phố Detroit, bang Michigan (Mỹ) hôm 12-10.
Đối mặt bản án chung thân
Abdulmutallab, một người Nigeria 25 tuổi, đã nhận tất cả 8 tội danh, trong đó có tội khủng bố, âm mưu giết người và sử dụng vũ khí có sức hủy diệt lớn, trong ngày thứ 2 của phiên tòa xét xử mình.
Dù vậy, trong một tuyên bố chính trị gây sốc kéo dài 6 phút đọc tại phiên tòa, Abdulmutallab nhấn mạnh những hành động của y là đúng đắn, đồng thời cho rằng tội phạm thật sự là chính sách đối ngoại của Mỹ. Y cũng cảnh báo nước Mỹ về một “tai họa lớn” nếu nước này “tiếp tục sát hại và ủng hộ những ai giết người Hồi giáo vô tội”.
Theo hãng tin AFP, sự kết thúc đột ngột của phiên tòa đồng nghĩa với việc nhiều câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời, chẳng hạn như việc Anwar al-Awlaqi, một thủ lĩnh Al-Qaeda vừa bị tiêu diệt, đã tham gia đến đâu vào âm mưu tấn công này. Tại phiên tòa, Abdulmutallab không khai nhiều về cách thức y thực hiện âm mưu tấn công.
Umar Farouk Abdulmutallab nhận 8 tội danh trong vụ
đánh bom bất thành một máy bay Mỹ. Ảnh: REUTERS
Y chỉ nói “đã có thỏa thuận với ít nhất một người” để tấn công nước Mỹ nhằm trả đũa sự ủng hộ của Washington đối với Israel, cũng như trả đũa việc sát hại người Hồi giáo vô tội tại Palestine, Yemen, Iraq, Somalia, Afghanistan và những nước khác.
Với việc nhận 8 tội danh nói trên, Abdulmutallab có thể đối mặt với bản án tối đa là tù chung thân. Việc tuyên án dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12-1-2012.
Abdulmutallab bị cáo buộc giấu bom trong quần lót và âm mưu cho nổ tung chiếc máy bay của hãng hàng không Northwest Airlines (Mỹ) trong ngày 25-12-2009. Chiếc máy bay này chở 279 hành khách và 11 thành viên phi hành đoàn từ Amsterdam (Hà Lan) đến Detroit (Mỹ).
Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, Abdulmutallab đã cố kích hoạt quả bom nhưng quả bom không phát nổ mà chỉ bốc cháy khiến tên này bị phỏng nặng. Kẻ tấn công đã bị hành khách và phi hành đoàn khống chế.
Sau khi bị bắt, Abdulmutallab khai với các nhà điều tra Mỹ rằng y nhận quả bom và sự huấn luyện từ các phần tử Al-Qaeda tại Yemen. Ngoài ra, lực lượng Al-Qaeda trên bán đảo Ả Rập đóng tại Yemen nhận trách nhiệm vụ tấn công bất thành nói trên.
Công cụ chống khủng bố hiệu quả
Vụ tấn công bất thành nói trên buộc chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp an ninh hàng không mới nghiêm ngặt hơn, như triển khai máy quét toàn thân tại sân bay để tìm cách phát hiện chất nổ có thể giấu trong quần áo hành khách đang mặc. Theo hãng tin AP, 500 máy quét toàn thân đang được triển khai khắp nước Mỹ.
Ông Anthony Chambers, luật sư biện hộ cho Umar Farouk Abdulmutallab,
phát biểu với giới truyền thông bên ngoài tòa án hôm 12-10. Ảnh: AP
Vụ việc khiến danh tiếng của các cơ quan tình báo Mỹ ít nhiều bị ảnh hưởng vì cha của Abdulmutallab từng cảnh báo Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) về thái độ ngày càng cực đoan của con mình nhưng lời cảnh báo này dường như không được quan tâm đúng mức.
Trong khi đó, phe Cộng hòa lợi dụng vụ việc này để mô tả Tổng thống Mỹ Barack Obama là một người yếu đuối trong việc chống khủng bố, đồng thời cản trở kế hoạch đóng cửa nhà tù Vịnh Guantanamo và đưa những nghi can khủng bố hàng đầu ra xét xử tại tòa án dân sự.
Họ cũng đang thúc đẩy xây dựng luật bảo đảm rằng bất kỳ nghi can khủng bố nào không phải là công dân Mỹ phải được giao cho quân đội, thay vì bị truy tố và xét xử tại tòa án dân sự.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder nhận định diễn biến của phiên tòa đã xóa bỏ bất kỳ sự nghi ngờ nào về việc “tòa án dân sự là một trong những công cụ hiệu quả nhất của nước Mỹ để chống khủng bố”.
Một quan chức của Cục Điều tra Liên bang Mỹ tại Detroit cho rằng phiên tòa xét xử Abdulmutallab chứng tỏ việc thực thi luật dân sự là cách tốt nhất để xử lý các vụ án khủng bố trong nước.
Bình luận (0)