Trong 3 tháng qua, Trung Quốc đã dùng tàu hút bùn để xây đảo nhân tạo dài khoảng 1,7 km, rộng từ 200-300 m ở bãi đá ngầm Chữ Thập (thuộc chủ quyền Việt Nam). Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane’s, ảnh chụp từ vệ tinh từ ngày 8-8 đến 14-11 đã chứng minh điều này. “Việc cải tạo bãi Chữ Thập là dự án biến đá thành đảo thứ tư được Trung Quốc thực hiện ở quần đảo Trường Sa trong khoảng thời gian 12-18 tháng trở lại đây. Giờ nó trở thành đảo nhân tạo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa” - IHS Jane’s viết. Những dự án trái phép kiểu này của Trung Quốc trước đó diễn ra tại bãi đá Gạc Ma, Châu Viên và Ga Ven. Theo IHS Jane’s, mục đích của động thái này là nhằm buộc các bên liên quan từ bỏ tuyên bố chủ quyền riêng hoặc tạo cho Trung Quốc vị thế mạnh mẽ hơn trên bàn đàm phán.
Người phát ngôn quân đội Mỹ Jeffrey Pool cho biết đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang “hô biến” ở bãi đá Chữ Thập hoàn toàn có thể đặt được một đường băng. Một cầu tàu được xây dựng ở phía Đông bãi đá này cũng đủ lớn để đón các tàu chở dầu và tàu hải quân. “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngừng chương trình cải tạo đá thành đảo và tham gia vào các sáng kiến ngoại giao, khuyến khích tất các bên tự kiềm chế trong các hoạt động tương tự” - ông Pool nhấn mạnh.
Truyền thông Hồng Kông cũng đưa tin Trung Quốc muốn xây dựng một căn cứ không quân trên bãi Chữ Thập. Công trình dấy lên quan ngại Bắc Kinh có thể biến các quần đảo giàu khoáng sản trên biển Đông thành các cứ điểm quân sự, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, đại tá không quân Trung Quốc Kim Chí Thụy từ chối bình luận khi được chất vấn về báo cáo của IHS Jane’s tại Diễn đàn An ninh Hương Sơn lần thứ 5 ở Bắc Kinh hôm 22-11. Ông này chỉ đáp rằng Trung Quốc cần xây dựng cơ sở hạ tầng trên biển Đông vì những mục đích mang tính chiến lược. “Chúng tôi cần vươn ra bên ngoài để đóng góp cho hòa bình trong khu vực và trên toàn cầu. Chúng tôi cần những cơ sở hậu cần như thế, bao gồm cả radar và thiết bị thu thập thông tin” - ông Kim nói. Một ngày trước, cũng tại diễn đàn trên, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn xoa dịu những lo ngại về việc gia tăng sức mạnh quân sự của nước này, đồng thời cho biết Bắc Kinh đang nghĩ đến việc mở đường dây nóng quốc phòng với các nước láng giềng tại Ðông Nam Á để “kiểm soát, ngăn ngừa và giải quyết các cuộc khủng hoảng”.
Trong một diễn biến khác, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới Ấn Độ vào tháng 1-2015 nhân ngày Cộng hòa (26-1) của nước này. Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest hôm 21-11 nêu rõ: “Tổng thống Obama sẽ gặp gỡ Thủ tướng Narendra Modi và các quan chức chủ nhà để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn”. Trong cuộc hội đàm với ông Modi ở Washington vào tháng 9, ông Obama đề nghị hỗ trợ hải quân Ấn Độ trước sự hiện diện ngày càng mở rộng của Trung Quốc ở châu Á.
Ấn Độ cảnh báo “điềm xấu”
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ấn Độ Rajnath Singh khẳng định các vụ binh sĩ Trung Quốc liên tiếp xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ là “điềm xấu” cho nỗ lực duy trì quan hệ hữu nghị song phương. Ông Singh chỉ trích Bắc Kinh chiếm đóng trái phép khu vực Aksai Chin mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền.
Theo tờ India Today, ông Singh nói New Delhi muốn duy trì quan hệ láng giềng hữu hảo song thiện chí này phải được đáp lại. Theo ông, quan hệ Ấn - Trung chỉ có thể phát triển nếu giải quyết được những vấn đề phức tạp như tranh chấp biên giới.
Bình luận (0)