Ông Swift nhấn mạnh Washington không đứng về bên nào nhưng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm bảo đảm tự do hàng hải trong các vùng biển tranh chấp cũng như những nơi khác. Theo ông, hành động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông sẽ không cản trở hoạt động quân sự của Mỹ tại đây. Đô đốc này nói thêm Hải quân Mỹ có thể triển khai thêm tàu chiến cận bờ đến khu vực, đồng thời quan tâm đến việc liên kết các cuộc tập trận với một số đồng minh riêng lẻ thành một cuộc tập trận đa quốc gia, trong đó có thể có sự tham gia của Nhật.
Trong khi đó, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), Đô đốc Katsutoshi Kawano, tiên lượng Trung Quốc sẽ ngày càng hung hăng ở biển Đông, do đó Tokyo có khả năng tiến hành tuần tra giám sát vùng biển này. “Chúng tôi xem vấn đề tuần tra biển Đông là chuyện có thể diễn ra trong tương lai, tùy thuộc vào tình hình thực tế” - Reuters dẫn lời Đô đốc Kawano tại trụ sở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington hôm 16-7. Nhận định về các dự luật an ninh vừa được Hạ viện Nhật Bản thông qua, ông Kawano cho rằng chúng chỉ nhằm củng cố quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ chứ không phải tăng cường sức mạnh quân sự của Tokyo như Bắc Kinh cáo buộc.
Liên quan đến vấn đề biển Đông, Philippines tuyên bố sẽ theo đuổi đến cùng vụ kiện những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại tòa án quốc tế bất chấp lời kêu gọi đàm phán trực tiếp của Bắc Kinh. Theo kết quả của một cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) công bố hôm 14-7, 60% người Việt Nam và 56% người Philippines được hỏi nói vấn đề tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông khiến họ lo lắng nhiều nhất.
Bình luận (0)