Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 24-2 đưa tin chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ khởi động kế hoạch đầu tư trị giá 53 tỉ USD vào ngày 28-2, tập trung vào các cơ sở sản xuất thương mại.
Trong bài phát biểu tại Trường ĐH Georgetown ngày 23-2, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết nước này đặt mục tiêu thiết kế và sản xuất những con chip tiên tiến nhất thế giới vào năm 2030.
Bà Raimondo lưu ý Washington không định chấm dứt sự phụ thuộc vào các đồng minh, thay vào đó tiếp tục hợp tác với họ, tăng cường kiểm soát chất bán dẫn để vượt qua Trung Quốc trong cuộc chạy đua công nghệ cao. "Chúng tôi chắc chắn không muốn sản xuất tất cả chip mà chúng tôi cần ở Mỹ" - bà Raimondo nói.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. Ảnh: Bloomberg
Cũng theo bà Raimondo, Mỹ lên kế hoạch thành lập 2 cụm sản xuất hàng đầu vào năm 2030, mỗi cụm bao gồm hệ sinh thái nhà cung cấp, cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) cùng hàng ngàn công nhân.
Đạo luật khuyến khích sản xuất chất bán dẫn cho nước Mỹ (CSA) sẽ phân bổ 39 tỉ USD dưới dạng ưu đãi để khuyến khích các công ty xây dựng và mở rộng. Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ sẽ cung cấp cơ hội cho các công ty chuỗi cung ứng và đầu tư R&D trong những tháng tới.
Tuy nhiên, đạo luật CSA cùng với Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ được cho là khiến các đồng minh của nước này ở châu Âu và châu Á lo ngại. Năm 2022, Brussels đề xuất tăng cường sản xuất chất bán dẫn ở Liên minh châu Âu (EU).
Đáp lại, bà Raimondo trấn an rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết minh bạch với các đồng minh về chương trình chip, đồng thời hợp tác với họ để phát triển các chiến lược mới.
"Mỹ đã thảo luận với châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc để tìm ra cách hợp tác về đạo luật CSA. Tôi tin rằng Mỹ sẽ phụ thuộc vào họ để sản xuất trong một thời gian dài" - bà Raimondo cho biết.
Bình luận (0)