Nhiều nghị sĩ và quan chức quân đội muốn “bỏ mặc” Trung Quốc, đồng thời cảnh báo về sự tăng cường lực lượng quân sự của nước này ở biển Đông và Hoa Đông, trong đó có hoạt động cải tạo đất và xây đảo nhân tạo bất hợp pháp. Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, ông Harry Harris, gọi động thái xây dựng nêu trên là “Vạn lý trường thành bằng cát”.
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain nói: “Tôi sẽ không mời họ thời gian này vì hành vi xấu của họ. Những tháng cuối năm 2014 họ đã bồi lấp 24,3 hec-ta xung quanh quần đảo Trường Sa. Trong năm 2015, họ đã bồi lấp khoảng 243 hec-ta và đang xây dựng một đường băng”.
Nhật - Philippines tập trận
Ngày 6-5, lực lượng tuần duyên Philippines và Nhật Bản tập trận chung tại vịnh Manila với nội dung chiếm lại một tàu hàng bị cướp biển kiểm soát. Reuters dẫn lời sĩ quan Koichi Kawagoe thuộc Lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết nước này sẵn sàng hỗ trợ các nước Đông Nam Á trong lĩnh vực này. Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa 2 nước trong bối cảnh Nhật Bản tăng cường hợp tác về an ninh và hàng hải với các nước ASEAN.
Ông McCain nói rằng sự tăng cường quân sự của Trung Quốc trên biển Đông có thể dẫn tới khả năng nước này đơn phương tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không như đã làm ở Hoa Đông năm 2013.
Mỹ đã phản đối động thái đó nhưng Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng Nhà Trắng cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn Trung Quốc lặp lại điều này ở biển Đông. “Động thái đó khẳng định rằng đấy là không phận Trung Quốc. (…) Tư lệnh Hạm đội 7 của chúng tôi đã đưa ra cảnh báo nhưng hình như đã bị bỏ qua” - thượng nghị sĩ John McCain cho biết.
Trong chính phủ Mỹ hiện nay có sự chia rẽ, căng thẳng về việc liệu Mỹ có nên tăng cường hợp tác với Trung Quốc để duy trì quan hệ hay là giữ khoảng cách giữa quân đội 2 nước.
Về phía ủng hộ Trung Quốc có Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert đã từng làm việc với Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi. Năm 2014, ông Greenert đề nghị đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc là có 1 tàu sân bay Mỹ thăm nước này và mở cửa cho các sĩ quan Trung Quốc lên thăm. Tuy nhiên, tân Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter khẳng định sẽ không có chuyện tàu sân bay đến thăm Trung Quốc.
Nguồn tin Bloomberg khẳng định một số lãnh đạo khác của quốc hội và quân đội Mỹ cũng ủng hộ việc trừng phạt Trung Quốc. Một nguồn tin tiết lộ Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thông báo cho Hải quân nước này rằng Lầu Năm Góc không muốn Trung Quốc được mời tham gia RIMPAC 2016 vì hành vi gần đây nhưng quan điểm của Hải quân Mỹ thì ngược lại.
Chuyên gia Patrick Cronin thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) cũng kêu gọi Mỹ trừng phạt ngoại giao Trung Quốc, đồng thời tăng cường hợp tác quân sự với các nước khu vực.
Bắc Kinh chính thức được mời tham dự cuộc tập trận chung RIMPAC lần đầu tiên vào năm 2014 cùng 21 nước, bao gồm cả Việt Nam và Philippines. Trung Quốc đã gây bất ngờ trong bài tập cuối cùng của RIMPAC bằng cách phái một tàu do thám giám sát vốn không có trong kế hoạch và không được hoan nghênh.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Patrick Ventrell từ chối bình luận cụ thể về RIMPAC. Patrick Cronin, người đứng đầu Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ, nói: “Chúng tôi đang cố gắng tránh bị qua mặt bởi một Trung Quốc rất năng động và hung hăng. Khi họ làm những việc vi phạm nguyên tắc, chúng ta phải bảo đảm rằng họ không được hưởng lợi”.
Bình luận (0)