Hãng tin Reuters ngày 3-8 cho biết thông tin trên trong bối cảnh truyền thông Mỹ cho rằng việc thành lập bồi thẩm đoàn nói trên là bước đi đầu tiên của ông Mueller hướng khả năng truy tố hình sự vụ việc.
Việc thành lập đại bồi thẩm đoàn cho phép công tố viên Mueller (phải) có thể ra trát và buộc các nhân chứng ra làm chứng. Ảnh: Reuters
Ở Mỹ, các đại bồi thẩm đoàn được thiết lập để xem xét liệu bằng chứng trong vụ án có đủ để truy tố cho tòa hình sự hay không. Lực lượng này không có quyền quyết định bị cáo có tội hay không có tội.
Đại bồi thẩm đoàn bao gồm những công dân bình thường. Giám sát họ không phải là thẩm phán mà là các công tố viên.
Theo BBC, động thái mới nhất của ông Mueller nói trên được cho là tập trung vào cuộc điều tra cuộc gặp hồi tháng 6-2016 của con trai ông Donald Trump, Donald Trump Jr, với một luật sư Nga. Trong cuộc gặp còn có cả con rể hiện đang là cố vấn Nhà trắng của Tổng thống Donald Trump, ông Jared Kushner.
Việc thành lập đại bồi thẩm đoàn cho phép công tố viên Mueller, cựu giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI), có thể ra trát và buộc các nhân chứng ra làm chứng.
Trước đó, cũng trong ngày 3-8, Thượng viện Mỹ đã giới thiệu hai dự luật được thiết kế để hạn chế khả năng của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc sa thải ông Mueller.
Những biện pháp này được đệ trình giữa lúc nổi lên lo ngại ông chủ Nhà Trắng có thể sa thải ông Muller, cũng như ông đã sa thải ông James Comey khỏi vị trí giám đốc FBI hồi tháng 5.
Ông Mueller được bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt trong vụ điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ từ tháng 5. Quyết định bổ nhiệm do Bộ Tư pháp đưa ra.
Bình luận (0)